Nâng cao hiệu lực thực thi các chính sách, pháp luật về giáo dục

Trong giai đoạn 2018-2022, chính sách, pháp luật về giáo dục được các địa phương, cơ sở giáo dục (CSGD) trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, đúng quy định đã góp phần xây dựng cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp ngày càng khang trang, giúp đỡ học sinh (HS) có hoàn cảnh khó khăn có thêm điều kiện đến trường, hạn chế tình trạng HS bỏ học, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các vùng miền, nâng cao trình độ dân trí và hoàn thành mục tiêu về phổ cập giáo dục.

Những kết quả nổi bật

Những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4/2023, chúng tôi có dịp tham gia các buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục của Đoàn giám sát HĐND tỉnh tại UBND các huyện, thành phố và CSGD trên địa bàn tỉnh. Ghi nhận từ các buổi làm việc, UBND các huyện, thành phố và CSGD đều thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục. Chế độ, chính sách của cán bộ, giáo viên (CBGV) như: Tuyển dụng, lương, phụ cấp ưu đãi, thâm niên, thu hút, xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp... được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần rất lớn trong việc động viên đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các chính sách về miễn, giảm học phí, hỗ trợ gạo, hỗ trợ tiền ăn trưa, hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ HS nội trú, bán trú, HS khuyết tật, HS ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn... góp phần giúp các CSGD làm tốt công tác huy động HS ra lớp, giúp HS thuộc diện chính sách xã hội có thêm điều kiện đến trường, hạn chế tình trạng HS bỏ học và nâng cao chất lượng giáo dục.

Giờ thực hành của sinh viên ngành Quản trị mạng máy tính, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.

CSVC trường lớp từng bước được đầu tư khang trang, đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy - học của CBGV và HS. Đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có 148 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, có 24/88 trường mầm non (MN), đạt 27,3% và 124/211 trường phổ thông, đạt 58,8%. Đối với giáo dục nghề nghiệp, giai đoạn 2018-2020, Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận được đầu tư xây dựng Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe thuộc Dự án Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 145,45 tỷ đồng. Công tác rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp học và đội ngũ CBGV cơ bản được thực hiện đúng quy định, phù hợp với đặc thù mỗi địa phương và đảm bảo các tiêu chí, mục tiêu đề ra. Sau sáp nhập, thành lập mới, các hoạt động giáo dục đảm bảo hoạt động ổn định, không xáo trộn và không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Việc sáp nhập trường lớp cũng góp phần tinh gọn bộ máy quản lý, chống lãng phí ngân sách nhà nước (NSNN). Đơn cử như huyện Ninh Phước thực hiện rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp giai đoạn 2018-2022 đã giảm được 10 cán bộ quản lý, 15 nhân viên, giảm hưởng lương từ NSNN, giảm 5 CSGD công lập có quy mô trường lớp nhỏ.

Trong điều kiện NSNN, của tỉnh còn hạn hẹp, các địa phương, CSGD cũng chủ động tham mưu, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục thu hút các nguồn lực xã hội, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm chăm lo sự nghiệp “trồng người”. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa và kinh phí các dự án, nhiều CSGD được đầu tư xây mới, sửa chữa phòng học, phòng chức năng, khu hiệu bộ, nhà vệ sinh, bể bơi nhân tạo, sân bóng đá mini, thư viện xanh...; hỗ trợ chi trả lương cho đội ngũ lao động không có trong biên chế, không thể trả lương từ NSNN như giáo viên tiếng Anh tiểu học, nhân viên cấp dưỡng MN; giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn; trang bị đồ chơi, thiết bị dạy học hiện đại đáp ứng yêu cầu học tập, vui chơi của HS và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đặc biệt, trong giai đoạn 2018-2022, thực hiện chủ trương xã hội hóa, hệ thống trường MN ngoài công lập được khuyến khích phát triển. Nổi bật là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã phát triển mới 1 trường và 32 nhóm, lớp MN ngoài công lập. Công tác xã hội hóa giáo dục, mở rộng các loại hình trường lớp đã góp phần thu hút trẻ MN trong độ tuổi đến trường, giảm tải bớt áp lực cho các trường công lập, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nâng cao chất lượng giáo dục.

Còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh thuận lợi, kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục thời gian qua tại các địa phương, CSGD MN, phổ thông trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục, như: Biên chế CBGV các cấp học còn thiếu so với định mức quy định; CSVC, trang thiết bị phục vụ dạy - học mặc dù đã được trang bị song chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và tổ chức các hoạt động giáo dục theo yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; một số CBGV chưa theo kịp yêu cầu đổi mới quản lý, dạy học... Đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, quá trình thực hiện còn khó khăn, hạn chế như: Chính sách hỗ trợ tiền ăn, đi lại cho học viên là người khuyết tật, dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, người có công với cách mạng còn thấp, không đủ trang trải trong quá trình tham gia học nghề; việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm còn hạn chế; CSVC, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu dạy - học; việc đào tạo chương trình 9+ cho HS tốt nghiệp lớp 9 học nghề còn nhiều khó khăn...

Các huyện, thành phố, CSGD được chọn giám sát đã trao đổi, làm rõ thực trạng, đề ra giải pháp và đề xuất Đoàn giám sát HĐND tỉnh đề nghị trung ương, các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn tỉnh xem xét, có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Qua đó, góp phần giúp các địa phương, CSGD lãnh đạo, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục ngày càng phù hợp, hiệu quả.