Tại Bác Ái, chương trình dạy thực nghiệm tiếng Raglai bắt đầu triển khai từ năm học năm học 2021-2022 ở khối lớp 1 và lớp 2. Trong đó, khối lớp 1 với 33 lớp và 721 học sinh (HS) tham gia; khối lớp 2 có 34 lớp với tổng số 977 HS. Theo đó, sách giáo khoa tiếng Raglai đưa vào giảng dạy đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2019 được cấu trúc theo từng chủ điểm, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng dân tộc thiểu số. Bộ chữ viết Raglai được hoàn thiện theo dạng tự Latin tương đối dễ sử dụng. Trữ lượng văn hóa, văn học dân tộc đã được chú trọng và đưa vào sách giáo khoa để dạy cho HS. Số lượng giáo viên (GV) tham gia dạy học tiếng Raglai đảm bảo đủ tại tất cả các điểm trường, đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định; GV trực tiếp giảng dạy đều là người Raglai đang sinh sống tại huyện Bác Ái, một số GV là thành viên trong Hội đồng biên soạn sách giáo khoa Raglai của tỉnh.
Lãnh đạo Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ giáo dục và Đào tạo phát biểu tại hội thảo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của ngành giáo dục và UBND huyện Bác Ái trong việc đưa công tác dạy tiếng Raglai vào trường học. GV và HS được trang bị đầy đủ sách giáo khoa và sách tham khảo, nội dung chương trình được thiết kế phù hợp với lứa tuổi HS tiểu học; các chủ đề, bài học gần gũi với văn hóa với phong tục tập quán của người Raglai, giúp các em bước đầu nhận biết về tiếng Raglai, văn hóa Raglai tại địa phương. Tuy nhiên, theo các đại biểu, chương trình dạy thực nghiệm tiếng Raglai theo phản hồi từ phía các nhà trường hiện tại còn có những bất cập nhất định vì chương trình có nhiều từ mới được bổ sung, cách phát âm một số chữ cái tiếng Raglai khác với cách phát âm trong tiếng Việt nên HS vừa học tiếng Việt vừa học tiếng Raglai cùng một thời điểm rất dễ nhầm lẫn nên kiến nghị chương trình học tiếng Raglai đối với lớp 1 có thể bắt đầu từ học kì II.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Phó Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay, tiếng Raglai đã được đưa vào giảng dạy tại hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Mặc dù, sách giáo khoa tiếng Raglai 1 và sách hướng dẫn dạy tiếng Raglai dành cho GV mới được UBND tỉnh phê duyệt hơn 2 năm qua nhưng huyện Bác Ái đã triển khai hiệu quả việc dạy thực nghiệm tiếng Raglai ở tất cả các trường học trên địa bàn huyện. Hiện nay, Đảng và Nhà nước rất quan tâm việc đưa tiếng dân tộc thiểu số vào giảng dạy trong trường học. Chính vì thế, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT xác định dạy học tiếng Dân tộc là một môn học tự chọn nằm trong khung chương trình giáo dục chung. Cùng với đó, ngành giáo dục đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa của một số tiếng dân tộc. Trong đó, có tiếng Raglai mà tỉnh Ninh Thuận đang triển khai giảng dạy tại Bác Ái. Lãnh đạo Vụ Giáo dục Dân tộc đề nghị Sở GD&ĐT phối hợp với UBND huyện Bác Ái khắc phục những khó khăn trong quá trình dạy thực nghiệm tiếng Raglai thời gian qua, nhất là việc thực hiện chính sách cho giáo viên dạy tiếng Raglai; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo việc dạy và học tiếng Raglai đảm bảo yêu cầu chất lượng chung của ngành...
Kha Hân