Về mục tiêu chung
Kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; từng bước xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản của tỉnh.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từng bước được nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá; nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dung các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học.
- Xử lý các vấn đề môi trường trong hoạt động thủy sản; tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản.
Môi trường biển tại Cảng Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ
- Hoạt động quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản được triển khai hiệu quả; xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thủy sản và tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường của bộ, quốc gia.
- Hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản (rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô...) được triển khai hiệu quả, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; xây dựng và ban hành ít nhất 02 kế hoạch hoạt động bào tồn, bảo vệ và tái tạo một số loài thủy sản ưu tiên bảo vệ.
- 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành thủy sản; 80% doanh nghiệp thủy sản; từ 30-50% ngư dân, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh được tập huấn/phổ biến pháp luật, đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường ngành thủy sản.
- Góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; duy trì mức tăng hàng năm 8% diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững.
- Mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản được nghiên cứu, áp dụng và từng bước được nhân rộng.
1. Về nhiệm vụ
a) Rà soát, xây dựng văn bản quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản
- Rà soát, đề xuất Bộ, ngành trung ương xây dựng/sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản.
- Rà soát, tham mưu xây dựng các văn bản quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng, triển khai các kế hoạch quản lý môi trường trong hoạt động thủy sản.
- Xây dựng các quy định nhằm thực hiện mục tiêu thu gom, giảm thiểu chất thải từ các hoạt động sản xuất thủy sản; đặc biệt đối với các cơ sở, hộ gia đình khai thác, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh quy mô nhỏ.
b) Chủ động phòng ngừa, quản lý, kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản; quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản (quan trắc đất, nước, trầm tích)
- Thực hiện điều tra, đánh giá lượng thải từ các hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh (hoạt động khai thác thủy sản trên biển, hoạt động tại các cảng cá; vùng nuôi trồng thủy sản, cơ sở chế biến thuỷ sản…).
- Tăng cường việc kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại vùng ven biển, các khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao; chú trọng theo dõi, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản tại cơ sở; chủ động, kịp thời xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh về môi trường trong hoạt động thủy sản.
- Triển khai hoạt động quan trắc môi trường thường niên (đất, nước, trầm tích) tại các vùng nuôi tập trung, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, nguồn cung nước đầu vào và đầu ra cho các vùng nuôi trồng thủy sản, các khu vực chế biến thủy sản, khu bảo tồn biển và khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường thuỷ sản và tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường của bộ,
ngành; triển khai Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2021-2025 ban hành tại Quyết định số 1151/QĐ-BNN TCTS ngày 19/3/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 1526/KH-UBND ngày 29/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về hành động quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2030.
- Thực thi quy định tại Phụ lục V của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản.
c) Kiểm kê, đánh giá nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển bền vững ngành thủy sản tỉnh
- Thực hiện điều tra, đánh giá, kiểm kê nguồn vốn tự nhiên thủy sản theo chuyên đề (giá trị vật thể, giá trị phi vật thể... của nguồn lợi thủy sản, môi trường sống thủy sản, hệ sinh thái thủy sản...) phục vụ phát triển ngành thủy sản của tỉnh.
- Nghiên cứu thành lập và triển khai hiệu quả Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh theo quy định và hướng dẫn của Trung ương.
d) Hướng dẫn, kiểm tra, xây dựng năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản
- Xây dựng các mô hình phòng ngừa, kiểm soát, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường và từng bước áp dụng trong các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản, chế biến thủy sản, hạ tầng cơ sở thủy sản; kế hoạch phòng ngừa, kiểm soát, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong hoạt động thủy sản.
- Nâng cao năng lực, kỹ năng phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Tham gia ứng phó sự cố môi trường thuộc phạm vi quản lý theo phân công về ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
đ) Thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản
- Chú trọng áp dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và xử lý chất thải, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Từng bước chuyển đổi mô hình thủy sản theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; phát triển sản xuất thủy sản hữu cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
- Nghiên cứu, xây dựng và từng bước áp dụng mô hình doanh nghiệp/cơ sở/ cụm làng nghề và tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, chế biến, khai thác, kinh doanh thủy sản theo hướng sản xuất xanh, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường.
- Áp dụng các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái.
- Từng bước nghiên cứu xây dựng và áp dụng mô hình quản lý chất thải, rác thải trong các hoạt động khai thác thủy sản trên biển; hoạt động tại cảng cá; vùng nuôi trồng thủy sản, cơ sở nuôi trồng thủy sản, cơ sở, hộ gia đình thu mua, sơ chế, chế biến thủy sản quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh.
- Phổ biến các tài liệu hướng dẫn, đào tạo triển khai và nhân rộng một số mô hình phát triển cụm liên kết, cụm làng nghề chế biến thủy sản bền vững; mô hình về chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản bền vững, chuỗi cung ứng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản; mô hình sản xuất thủy sản hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
e) Bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái quan trọng góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học
- Bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường sống (môi trường, các hệ sinh thái rạn san hô, rạn đá ngầm, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn,...) của các loài thủy sản.
- Phát huy hiệu quả hoạt động của Khu bảo tồn biển Núi Chúa (là một phần trong quần thể sinh thái Vườn quốc gia Núi Chúa); thành lập các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh gắn với việc thúc đẩy phát triển các mô hình đồng quản lý.
- Nghiên cứu xây dựng và thực hiện dự án về phục hồi các hệ sinh thái cốt lõi đối với nguồn lợi thủy sản; rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, khu vực cửa sông, ven biển, biển gắn với bãi đẻ, ương dưỡng, khu vực bãi giống của các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, các loài có giá trị kinh tế, các loài đặc hữu, bản địa của tỉnh.
- Xây dựng và thực hiện các chương trình/kế hoạch hành động về bảo tồn, bảo vệ, lưu giữ và phát triển các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu, bản địa, các loài cần được ưu tiên bảo vệ.
- Xây dựng và thực hiện các chương trình/kế hoạch bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu, bản địa; thúc đẩy tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên di truyền thuỷ sản.
- Tăng cường ngăn chặn và loại bỏ hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
- Kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn các loài thủy sản ngoại lai xâm hại.
2. Giải pháp
a) Nâng cao nhận thức, tư duy về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản đối với các bên có liên quan
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến nội dung đề án, các chủ trương, quy định pháp luật, kế hoạch bảo vệ môi trường ngành thủy sản đến công chức, viên chức, người lao động ngành thủy sản của tỉnh, các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến thủy sản tại địa phương.
- Phổ biến, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về quan điểm coi “Môi trường là điều kiện, nền tảng, là yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững”; theo Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Từng bước thay đổi nhận thức, tư duy của các cấp, các ngành trong hoạch định chính sách phát triển.
- Nâng cao nhận thức, hiểu biết về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ sản xuất/kinh doanh thủy sản thực hiện các tiêu chuẩn, cam kết tự nguyện về môi trường; ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về môi trường của các doanh nghiệp sản xuất thủy sản, cộng đồng ngư dân.
- Truyền thông về bảo vệ môi trường trong các hoạt động thủy sản nói riêng, bảo vệ môi trường nói chung tới các bên có liên quan, đặc biệt chú trọng tới cộng đồng ngư dân, người nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động thủy sản.
b) Phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ trong hoạt động thủy sản, trong xử lý chất thải từ các hoạt động thủy sản
- Triển khai, ứng dụng các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong các hoạt động thủy sản của địa phương theo hướng công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, giảm thiểu chất thải theo kinh tế tuần hoàn.
- Xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp của tỉnh tham gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải từ các hoạt động thủy sản địa phương; xã hội hóa, nâng cao năng lực hệ thống các tổ chức đánh giá sự phù hợp lĩnh vực môi trường.
- Phối hợp các Bộ, ngành trung ương xây dựng, cập nhật đồng bộ, kịp thời cơ sở dữ liệu môi trường thủy sản. Từng bước chuyển đổi số cơ sở dữ liệu môi trường thủy sản.
- Ứng dụng công nghệ 4.0, công nghệ thông tin, viễn thám, AI, truy xuất nguồn gốc... trong theo dõi, kiểm tra giám sát quy trình sản xuất, kinh doanh, xử lý môi trường thủy sản.
c) Đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ đảm bảo việc xử lý, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thãi; mạng lưới quan trắc môi trường thủy sản
- Đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của tỉnh, các vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão, làng nghề, khu chế biến thủy sản... đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ cho các khu bảo tồn biển của tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững.
- Thực hiện có hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường thủy sản trên địa bàn tỉnh một cách có hiệu quả.
d) Nghiên cứu cơ chế, chính sách khuyến khích khai thác, sử dụng đầu tư, duy trì phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản; huy động, xã hội hóa nguồn lực trong bảo vệ môi trường thủy sản
- Rà soát, đề xuất Bộ, ngành trung ương xây dựng/sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản.
- Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia cung ứng dịch vụ môi trường trong tái chế, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực thủy sản.
- Nghiên cứu thành lập và triển khai hiệu quả Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản tỉnh theo quy định và hướng dẫn của Trung ương.
- Nghiên cứu, xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong sản xuất thủy sản.
đ) Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong các hoạt động thủy sản
- Tăng cường phổ biến, triển khai kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các quy định về bảo vệ môi trường thủy sản.
- Rà soát, các văn bản chồng chéo, bất cập về chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường giữa các Bộ, ngành trung ương và địa phương và đề xuất chỉnh sửa để đảm bảo tính thống nhất, liên tục trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
- Thực hiện kiểm tra, giám sát trách nhiệm quản lý của các đơn vị, địa phương đối với công tác bảo vệ môi trường thủy sản.
- Tăng cường giám sát cộng đồng đối với bảo vệ môi trường thủy sản; minh bạch hóa thông tin về môi trường, bảo vệ môi trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.
e) Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường
Thực thi các quy định, cam kết về môi trường trong các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Tăng cường hợp tác đa phương: thúc đẩy thực thi các cam kết về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, thu hút các dự án hỗ trợ kỹ thuật.
Về tổ chức thực hiện, Kế hoạch của UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, theo dõi việc thực hiện Kế hoạch. Thường xuyên đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ (trước ngày 15/12 hàng năm) và theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
NT