Với vai trò là lực lượng chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển (BGB) của tỉnh, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) biên phòng tỉnh đang ngày đêm bám biển, bám địa bàn, giữ vững trận tuyến biên phòng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển
Cách đây hơn 30 năm, sau ngày tái lập tỉnh (1/4/1992), Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Ninh Thuận chính thức đi vào hoạt động, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới (ANBG) biển với bờ biển dài 105 km, vùng nội thủy khoảng 12.000 km2, lãnh hải khoảng 18.000 km2, trên phạm vi hành chính của 15 xã, phường, thị trấn thuộc 5 huyện, thành phố: Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam và Tp. Phan Rang - Tháp Chàm.
Ngày đầu tiếp quản cơ sở vật chất để đặt tổ chức sở chỉ huy, BĐBP tỉnh gặp rất nhiều khó khăn; 100% các đồn, hải đội biên phòng chưa được xây dựng cơ bản, 50% không có điện lưới quốc gia; các Đồn Vĩnh Hải, Phước Dinh đi lại khó khăn; tổ chức biên chế chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ... Nhưng bằng ý chí, nghị lực và phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, CBCS BĐBP tỉnh đã đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn thử thách, tập trung xây dựng, củng cố lực lượng vững mạnh toàn diện, đảm nhiệm tốt vai trò nòng cốt, chuyên trách trong công tác bảo vệ chủ quyền an ninh BGB, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh vùng biển của tỉnh trong mọi tình huống, luôn là lực lượng tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà.
Đại tá Ngô Văn Lãng, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh
Đặc biệt, từ khi Pháp lệnh BĐBP, Luật Biên giới quốc gia và Luật Biên phòng Việt Nam ra đời, đã xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng BĐBP là lực lượng giữ vai trò chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền ANBG quốc gia, BĐBP tỉnh đã có những bước phát triển mới, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của tỉnh trên tuyến biển được giữ vững, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các địa phương. BĐBP tỉnh triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, trực tiếp đấu tranh có hiệu quả đối với các hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền; phát hiện, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm mua bán, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ; phối hợp với các lực lượng đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm hình sự, ma túy, tệ nạn xã hội ở khu vực BGB; thực hiện tốt chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành trong tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên phòng. Tính riêng trong năm 2022, các đơn vị BĐBP tỉnh đã tổ chức 1.437 lượt tổ/6.321 lượt CBCS tham gia tuần tra trên bờ, trên biển; đăng ký, kiểm chứng cho 9.514 lượt tàu cá/ 62.731 lượt lao động biển; 7.253 lượt tàu du lịch/78.258 lượt khách du lịch biển; làm thủ tục nhập, xuất cho hơn 133 lượt tàu vận tải trong nước vận chuyển 215.545 tấn muối, 47.504 tấn xỉ than, 4.810 tấn xi măng, 13.674 tấn cát, 15.068 tấn sắt, 16.167 tấn đá ra vào cảng tổng hợp Cà Ná, cảng Ninh Chữ, thủ tục giấy tờ đảm bảo đúng quy định. Qua công tác tuần tra, kiểm soát, BĐBP tỉnh đã phát hiện và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản 75 vụ/75 đối tượng, thu nộp ngân sách nhà nước 117.350.000 đồng. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên phòng được giữ vững, tạo tiền đề cho các địa phương ven biển nói riêng, cả tỉnh nói chung trong thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022.
Vững vàng “thế trận lòng dân”
“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, phương châm thiết thực ấy luôn được các thế hệ CBCS BĐBP Ninh Thuận thường xuyên quán triệt và thực hiện. Là lực lượng gần dân, hiểu dân, bám dân, bám địa bàn; thực hiện cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, thời gian qua CBCS các đồn, trạm biên phòng trên tuyến biển của tỉnh đã “đồng cam cộng khổ”, đoàn kết một lòng, gắn bó máu thịt với nhân dân, luôn bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, góp sức thực hiện an sinh xã hội, tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Thấm nhuần lời Bác dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh luôn xác định công tác củng cố, xây dựng các hoạt động của phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng nền biên phòng toàn dân ở khu vực BGB là một nội dung hết sức quan trọng để phát huy vai trò các ban, ngành, đoàn thể, quần chúng trên địa bàn. Thực tiễn chứng minh, qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức, trách nhiệm của đồng bào ở khu vực BGB được nâng lên; nhân dân hiểu rõ bảo vệ biên giới biển, đảo của Tổ quốc vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi. Từ đó tự giác, tích cực tham gia cùng BĐBP tỉnh làm tốt công tác quản lý, bảo vệ an ninh BGB. Nhờ đó, phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, ANBG quốc gia trong tình hình mới” cũng phát triển sâu rộng hơn. Đến nay, trên địa bàn khu vực BGB của tỉnh đã vận động thành lập 57 tổ tự quản an ninh trật tự ở khu vực BGB với 329 thành viên; 29 tổ tàu thuyền an toàn/182 phương tiện/1.274 thuyền viên; 1 bến tự quản/2 tổ tự quản/10 thành viên (các tổ thành lập theo thôn, khu phố và theo ngành nghề khai thác trên biển). Lực lượng quần chúng tham gia trong các mô hình này đã trở thành những hạt nhân nòng cốt luôn sát cánh cùng lực lượng BĐBP trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự và chủ quyền biên giới vùng biển, đảo.
Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên Phòng Vĩnh Hải (Ninh Hải) tuần tra kiểm soát
khu vực biên giới biển. Ảnh: V.M
Trước tình hình KT-XH ở khu vực BGB còn nhiều khó khăn, BĐBP tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, như: Phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách, giúp hộ nghèo phát triển kinh tế; chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn biên phòng” nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chương trình “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo” đã vận động, quyên góp hàng trăm triệu đồng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát...; chương trình “Thầy giáo quân hàm xanh”, “Thầy thuốc quân hàm xanh” tham gia phát triển giáo dục, y tế vùng biển, chương trình “Bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”... Các hoạt động này có tính nhân văn sâu sắc, là sự tri ân của BĐBP tỉnh với đồng bào các dân tộc ở khu vực BGB; được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương đánh giá cao; góp phần tăng cường đoàn kết quân - dân, xây dựng khu vực BGB ngày càng vững mạnh, củng cố vững chắc “thế trận lòng dân” trên tuyến biên phòng.
Trong thời gian tới, xác định bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh khu vực BGB của Tổ quốc là nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn, phức tạp, đặc biệt là trong bối cảnh mới hiện nay, khi mà các vấn đề an ninh phi truyền thống đang tiềm ẩn nhiều thách thức, nhất là đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng... Trước tình hình đó, Đảng ủy, BĐBP tỉnh xác định tiếp tục phát huy truyền thống, đẩy mạnh giáo dục nâng cao hơn nữa nhận thức của CBCS về nhiệm vụ chính trị được giao. Theo đó, BĐBP tỉnh tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của BĐBP, tăng cường xây dựng đơn vị nền nếp, chính quy, vững mạnh toàn diện; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực hiện nhiệm vụ; nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng các công trình; xây dựng hệ thống đồn, trạm đồng bộ theo quy định; chủ động phòng, chống dịch bệnh, cải thiện và nâng cao sức khỏe cho bộ đội. Chủ động tham mưu đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP các chủ trương, đối sách về quản lý, bảo vệ chủ quyền khu vực BGB; đẩy mạnh các chương trình phối hợp với các sở, ban, ngành và nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh khu vực BGB. Tiếp tục đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương trong thực hiện các đề án, dự án phát triển KT-XH trên địa bàn; duy trì hiệu quả các mô hình do BĐBP khởi xướng như “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, “Hũ gạo tình thương”... nhằm giúp người dân vùng biển phát triển kinh tế, giảm nghèo và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó mật thiết giữa BĐBP với nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên tuyến biên phòng của tỉnh.
Đại tá Ngô Văn Lãng, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh