Thông báo Kết luận của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023

Ngày 2/2/2023, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh ban hành Thông báo số 03-TB/BCĐCĐS về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ năm 2023.

Thông báo nêu rõ: Ngày 01/02/2023, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh họp nghe báo cáo về kết quả, tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022; Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023. Sau khi nghe Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh báo cáo và ý kiến tham gia của các đồng chí dự buổi làm việc; Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh thống nhất kết luận như sau:

Về tình hình, kết quả thực hiện Chuyển đổi số

Thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2022 trong bối cảnh có nhiều khó khăn thách thức, nhưng Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành chuyển đổi số đã bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động chủ động nên đã đạt được nhiều kết quả bước đầu quan trọng và chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Công tác tuyên truyền, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số được quan tâm thực hiện, tạo được chuyển biến về nhận thức; cơ bản hoàn thành nền tảng dữ liệu dùng chung. Công tác số hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động quản lý, điều hành được cấp ủy, chính quyền và cơ quan, đơn vị trong tỉnh tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện; dịch vụ công có tiến bộ, tỉ lệ văn bản hành chính xử lý trên môi trường mạng được nâng lên; đảm bảo an ninh, an toàn, đủ điều kiện kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ứng dụng hiệu quả công nghệ số để giải quyết hồ sơ kịp thời cho người dân. Ảnh: Văn Nỷ

Cơ chế chính sách kịp thời được ban hành; hoạt động thương mại điện tử tiếp tục được tăng cường; giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt được tập trung đẩy mạnh trên một số dịch vụ thiết yếu; doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số thông qua việc lên các sàn giao dịch điện tử và đăng ký thực hiện một số giao dịch như nộp thuế, ngân hàng điện tử... Thực hiện số hóa trong các hoạt động giáo dục, y tế được các ngành quan tâm đẩy mạnh hơn. Tổ công nghệ số cộng đồng, cấp xã, cấp thôn/khu phố tiếp tục được mở rộng.

Bên cạnh kết quả đạt được còn có những hạn chế, đó là: Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh chưa mạnh, mặc dù chỉ số chuyển đổi số DTI tuy được cải thiện, nhưng còn thuộc nhóm thấp, tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GRDP chưa đạt mục tiêu đề ra, còn ở mức thấp.

Tỷ lệ các dịch vụ công trực tuyến có phát sinh mới chưa nhiều, tính đồng bộ, liên thông dịch vụ công chưa cao; người dân và doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều về thực hiện dịch vụ công toàn trình; sử dụng hạ tầng, nền tảng số chưa nhiều, chưa được đồng bộ, liên thông; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ mới còn hạn chế; cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số chưa đủ mạnh, các doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; việc khai thác, phát huy và thu hút nguồn lực xã hội cho chuyển đổi số còn hạn chế...

Nguyên nhân của các hạn chế: Công tác quán triệt, thông tin tuyên truyền chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị chưa được phát huy đúng mức. Một số cấp ủy, người đứng đầu chưa quyết tâm, quyết liệt, để đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện chưa được thường xuyên. Thực hiện chuyển đổi số trên một số lĩnh vực chưa đồng bộ, công tác phối hợp, hỗ trợ chuyển đổi số của một số cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả.

Về Kế hoạch Ban Chỉ đạo chuyển đổi số năm 2023

Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cơ bản nhất trí dự thảo; năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, việc tổ chức triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số sẽ góp phần thực hiện nhanh nhất các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra.

Ban Chỉ đạo thống nhất với chủ đề hành động “Huy động mọi nguồn lực, tập trung phát triển sử dụng dữ liệu số, tăng cường số hoá quy trình; mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phấn đấu hoàn thành ít nhất một sản phẩm chuyển đổi số năm 2023”.

Về mục tiêu chung: Tập trung hoàn thiện hạ tầng số, nhất là sử dụng cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng phát triển Chính quyền số bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan trong hệ thống chính trị, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Nâng chỉ số chuyển đổi số của tỉnh (DTI) năm 2023 thuộc nhóm khá của cả nước.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023, cơ bản nhất trí; trong đó cần lưu ý một số nội dung chủ yếu sau:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc đến cấp ủy, chính quyền, cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị về quan điểm xuyên suốt lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số; Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Chuyển đổi số là phương thức để rút ngắn, đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền về lợi ích của chuyển đổi số gắn với phát động phong trào thi đua chuyển đổi số, để các cơ quan quản lý Nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia, thi đua thực hiện và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.

Tiếp tục rà soát, xây dựng các cơ chế chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội thực hiện chuyển đổi số; nhất là cơ chế chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển kinh tế số, doanh nghiệp chuyển đổi số trên các lĩnh vực trọng điểm; tạo điều kiện và phát huy năng lực, thế mạnh của các đối tác chiến lược để vừa thu hút nguồn lực chuyển đổi số, đồng thời thực hiện thỏa thuận hợp tác đã ký với tỉnh.

Rà soát lại và nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Tập trung triển khai Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, trong đó quan tâm nâng cao kỹ năng khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu số của các cán bộ lãnh đạo, chuyên viên trong hệ thống chính trị, đồng thời phục vụ doanh nghiệp và Nhân dân. Chú trọng đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng số gắn với thị trường và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi số tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn.

Chỉ đạo tổ chức Đoàn thanh niên các cấp tiếp tục mở rộng phát triển và tổ chức hoạt động hiệu quả các Tổ công nghệ số cộng đồng; tập trung phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân; hỗ trợ thực hiện cải cách hành chính, phát triển dịch vụ công trực tuyến tại cơ sở.

Về tổ chức thực hiện

Giao Ban Điều hành Chuyển đổi số nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý và kết luận tại thông báo này để hoàn chỉnh Báo cáo và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; đồng thời rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Kế hoạch thực hiện chuyển đổi số của UBND tỉnh đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Lưu ý: Kế hoạch có phụ biểu phân công nhiệm vụ và thời gian cụ thể cho thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành và các cơ quan, đơn vị liên quan chủ trì, phối hợp thực hiện nhiệm vụ, để có cơ sở giám sát, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện.

Ban cán sự đảng, đảng đoàn, các huyện, thành ủy và đảng ủy trực thuộc chỉ đạo địa phương, đơn vị thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số; đồng thời khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023; hoàn thành trong quý I năm 2023.




  

 
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Ninh Thuận – Chào năm mới năm 2025”