Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, góp phần tăng trưởng GRDP

Dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng giá vật tư nông nghiệp tăng cao, biến động thị trường..., nhưng ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã nỗ lực vượt khó, chủ động triển khai nhiều giải pháp, linh hoạt tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, nhờ thuận lợi về thời tiết và nguồn nước tưới chủ động, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng các mô hình sản xuất, trong đó phát triển cánh đồng lớn đạt kết quả tích cực, triển khai các liên kết chuỗi giá trị ngày càng chặt chẽ và mở rộng hơn, đã giúp nông dân an tâm sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế. Trong 10 tháng năm 2022 đã thực hiện được 31 cánh đồng lớn với tổng diện tích 4.242,75 ha. Trong đó, vụ hè - thu đã thực hiện được 26 cánh đồng lớn, diện tích trên 3.687 ha (22 cánh đồng lúa 3.550,83 ha; 2 cánh đồng măng tây xanh 56,65 ha; 1 cánh đồng nho gần 30 ha và 1 cánh đồng hành tím 50 ha) và 57 liên kết theo chuỗi giá trị với quy mô 14.267 ha, sản lượng 250.165 tấn. Với việc tăng phạm vi vùng tưới chủ động từ các hệ thống thủy lợi, diện tích gieo trồng không ngừng được mở rộng (vụ hè - thu tăng 4,5% so với cùng kỳ), năng suất lúa đạt cao hơn so với bình quân chung của vùng đạt 6,63 tấn/ha. Ngoài ra, tỉnh đã có 10 mã vùng trồng được cấp với tổng diện tích 80,6 ha cho các doanh nghiệp và hợp tác xã phục vụ xuất khẩu.

Nông dân huyện Ninh Phước thu hoạch lúa đông - xuân năm 2022. Ảnh: Tiến Mạnh

Về chăn nuôi đã chú trọng phát triển theo hướng an toàn sinh học; các trang trại chăn nuôi liên kết với các doanh nghiệp thực hiện phương thức nông nghiệp tuần hoàn, không phát sinh dịch bệnh, tiết kiệm kinh phí, hiệu quả, cho giá trị kinh tế cao, tăng cả về quy mô và sản lượng thịt. Tổng đàn gia súc hiện có 525.385 con, tăng 10% so cùng kỳ, vượt 25,1% kế hoạch; tổng đàn gia cầm 2,258 triệu con, tăng 1,8%; sản lượng thịt hơi gia súc, gia cầm xuất chuồng đến tháng 10/2022 ước được 31.329 tấn, tăng 11,5% so cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng và giá trị sản xuất lĩnh vực chăn nuôi tăng 8,38% so với cùng kỳ năm 2021. Các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tiếp tục được duy trì; thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát kiểm dịch, vệ sinh thú y, giết mổ...

Trong lâm nghiệp, công tác chăm sóc, trồng, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng được tập trung chỉ đạo quyết liệt. Từ đầu năm đến nay đã phát hiện, ngăn chặn 173 vụ vi phạm, giảm 35,6% so cùng kỳ, xử lý 72 vụ, nộp ngân sách 535,5 triệu đồng và tịch thu nhiều tang vật khác; tiếp tục thực hiện chăm sóc diện tích rừng trồng phòng hộ, đặc dụng đang trong giai đoạn đầu tư 1.794,3 ha; duy trì giao khoán bảo vệ rừng với diện tích 67.590,4 ha; khoanh nuôi tái sinh 3.697 ha rừng tự nhiên và trồng rừng thay thế được khoảng 900 ha, đạt trên 95% kế hoạch; trồng rừng xã hội hóa được 20 ha và nâng cao chất lượng rừng trồng 30 ha.

Đối với lĩnh vực thủy sản, từ đầu năm đến nay, thời tiết tương đối thuận lợi, xuất hiện nhiều đàn cá nổi cùng với năng lực tàu cá tăng, ngư dân đã đầu tư trang thiết bị hiện đại bảo đảm an toàn kỹ thuật đánh bắt vùng biển xa; số lượng tàu cá tham gia khai thác bình quân chiếm 90% tàu cá toàn tỉnh; khai thác đạt sản lượng 119,5 nghìn tấn, tăng 1,5% so cùng kỳ. Phát huy thế mạnh của địa phương, tỉnh đã tập trung triển khai Đề án Phát triển Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước gắn với xây dựng quy hoạch phân khu vùng sản xuất tôm giống chất lượng cao An Hải và Sơn Hải. Sản xuất tôm giống tăng khá, trong 10 tháng sản lượng đạt 32,5 tỷ con, tăng 0,8% so với cùng kỳ.

Ngư dân xã Cà Ná (Thuận Nam) khai thác hải sản vụ cá Nam đạt sản lượng cao. Ảnh: V.Nỷ

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngành Nông nghiệp phấn đấu năm 2022 đạt giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng khoảng 4,5% so với năm 2021, do đó trong thời gian tới ngành tập trung phối hợp với các địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và thực hiện phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các dự án hỗ trợ sản xuất giảm nghèo bền vững; đẩy nhanh việc giải ngân kinh phí hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết, tưới tiết kiệm. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại ngành trồng trọt, chăn nuôi gắn với thực hiện chính sách hỗ trợ để thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; thực hiện chính sách hỗ trợ khai thác biển xa gắn với việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp (IUU); tập trung triển khai các giải pháp xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước. Triển khai có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững gắn với quản lý, bảo vệ, phát triển rừng khu vực miền núi.

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với ngành NN&PTNT vào trung tuần tháng 10 vừa qua, hiện toàn ngành đang tập trung chuyển hướng chiến lược, linh hoạt để tạo tăng trưởng nhanh và ổn định, phát huy vị thế là bệ đỡ của nền kinh tế, tiếp tục quyết tâm tăng tốc các lĩnh vực của ngành để đóng góp cao hơn cho tỷ trọng tăng trưởng GRDP của tỉnh. Trong đó, trọng tâm phát triển 3 nhóm ngành trụ cột: Lâm nghiệp, nông nghiệp và thủy sản. Đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới; tăng tốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Quan tâm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, gắn với các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm và hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là về nông thôn mới và giải ngân vốn đầu tư công, góp phần phát triển chung ngành NN&PTNT, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022.