Ngành Công Thương ứng dụng công nghệ 4.0

Trong những năm qua, công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nói chung, chuyển đổi số nói riêng được Sở Công Thương quan tâm và thực hiện mang lại những kết quả tích cực, góp phần đảm bảo cho hoạt động cũng như bảo mật tài liệu toàn ngành; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận với sàn giao dịch điện tử, thúc đẩy tăng trưởng thương mại.

Công tác đầu tư, ứng dụng CNTT nói chung, chuyển đổi số nói riêng ngày càng được ngành Công Thương quan tâm và có sự chuyển biến tích cực. Hạ tầng CNTT tại đơn vị thường xuyên được sửa chữa, nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu công việc trong hoạt động kết nối, chia sẻ với các hệ thống dùng chung của tỉnh. Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và DN năm qua cũng được Sở Công Thương đặc biệt chú trọng, đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN.

Trang website của Sở được trình bày các mục, chuyên mục rõ ràng giúp người dân dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin, việc cập nhật tin, bài trên website cũng thường xuyên và liên tục hơn góp phần vào việc tuyên truyền, quảng bá cung cấp các thông tin của toàn ngành đến bạn đọc trong và ngoài tỉnh được kịp thời và chính xác nhất. Việc sử dụng chữ ký số chuyên dùng của tổ chức và cá nhân để ký số trên các hệ thống dùng chung của tỉnh cũng như trên hệ thống báo cáo của Chính phủ đang được Sở Công Thương thực hiện đầy đủ. Tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả bằng hình thức trực tuyến chiếm tỷ lệ 96%. Đến nay, toàn bộ 100% thủ tục hành chính của Sở Công Thương đều được thực hiện ở mức độ 4. Theo đó, từ đầu năm đến nay, Sở đã tiếp nhận và giải quyết 6.508 hồ sơ, trong đó hồ sơ trước hạn 3.440 hồ sơ; hồ sơ đúng hạn 3.068 hồ sơ, không có hồ sơ trễ hạn. Đặc biệt, Sở đã xây dựng được phòng họp trực tuyến tại đơn vị, phục vụ công tác họp trực tuyến với các cơ quan trung ương và địa phương.

Nhân viên Sở Công Thương hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Đồng chí Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Hiện nay, các thủ tục hành chính của đơn vị đều được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử. Việc tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Sở qua cơ chế "một cửa", nhanh chóng, chính xác, không sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT cũng như chuyển đổi số sẽ góp phần quan trọng hướng đến thay đổi dần hình thức xúc tiến thương mại, điều đó phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như xu thế chung của nền thương mại hiện đại. Hiện đơn vị đang triển khai công tác vận hành sàn thương mại điện tử (TMĐT) tỉnh với tên miền sanphamninhthuan.com.

Hướng đến mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, sản xuất, Sở Công Thương đã hỗ trợ các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tham gia sàn giao dịch TMĐT toàn cầu để quảng bá thương hiệu và sản phẩm của DN. Đến nay, đã hỗ trợ 31 DN lên các sàn TMĐT, trong đó 3 đơn vị lên sàn Sendo, 15 đơn vị lên sàn Voso, 13 đơn vị lên sàn Postmar và lập 4 hồ sơ DN gửi Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ tham gia sàn TMĐT quốc tế (Alibaba). Đặc biệt, từ việc đưa 3 đơn vị lên sàn Sendo là Hợp tác xã Dịch vụ - Nông nghiệp thu mua nông sản Thanh Hải, Công ty TNHH SX-TM Nông sản Thái Thuận - Ninh Thuận và Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt. Đã kết nối thành công và cung cấp cho Công ty Sen Đỏ 3 tấn nho xanh; 6,1 tấn hành tím và 400 túi nha đam, với doanh thu khoảng 293 triệu đồng/tháng.

Nhân viên Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt đưa sản phẩm Nha Đam ra thị trường tiêu thụ. Ảnh: Văn Nỷ

Sở Công Thương cũng hỗ trợ DN thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ DN tiếp cận các sàn TMĐT phục vụ quảng bá sản phẩm công nghiệp chủ lục, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh. Cụ thể, hỗ trợ 18 DN, hợp tác xã bán hàng trực tuyến xây dựng giải pháp bán hàng trực tuyến nhằm thúc đẩy phát triển TMĐT tỉnh; 7 cơ sở, hợp tác xã, DN xây dựng phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh; 18 cửa hàng, cơ sở, hợp tác xã, DN ứng dụng giải pháp quản lý bán hàng thông minh cho các nhà bán lẻ; 40 cơ sở, DN tiếp cận thông tin hướng dẫn sử dụng và thuế dịch vụ chữ ký số trong giao dịch TMĐT.

Việc hỗ trợ về TMĐT rất thiết thực đối với các DN trong xu thế phát triển công nghệ số như hiện nay. Giúp cho các đơn vị triển khai marketing trực tuyến một cách hiệu quả, chuyên nghiệp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh và sản phẩm của đơn vị trên thị trường trong nước và thế giới. Qua sàn giao dịch TMĐT, khách hàng sẽ được cung cấp các thông tin một cách nhanh chóng, đầy đủ và chính xác đối với các sản phẩm cần tìm. Đồng thời, nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của các DN, giúp tiếp cận khách hàng mới, mở rộng thị trường, tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.

Thời gian tới, để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, Sở Công Thương tiếp tục phát triển hạ tầng CNTT, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức của ngành. Bên cạnh đó, triển khai các hoạt động phát triển TMĐT như đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về các mô hình kinh doanh TMĐT; hỗ trợ DN xây dựng thương hiệu trực tuyến; tham gia sàn TMĐT trong và ngoài nước, tăng cường các hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.