Trong mức tăng 0,05% của CPI tháng 3, so với tháng trước có tới 9/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó: Nhóm giao thông tăng cao nhất với 4,97%. Tiếp đến nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 3,06%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,61%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,82% do giá đồ trang sức bằng vàng tăng vì chịu ảnh hưởng của giá vàng tăng và giá dịch vụ chăm sóc cá nhân tăng. Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,53%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,44%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,15% do chi phí đầu vào và vận chuyển tăng. Nhóm Bưu chính viễn thông tăng 0,05%. Nhóm văn hoá, giải trí và du lịch tăng 0,01%. Riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm mạnh với 2,35% chủ yếu do giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm trở lại bình thường sau khi đã tăng cao trong tháng 2-2022 (dịp Tết Nguyên đán).
Người tiêu dùng mua sắm tại Siêu thị WinMart.
Kết quả trên đã tác động đưa CPI bình quân quý I-2022 tăng 2,47% so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân làm CPI quý I tăng chủ yếu do trong 3 tháng đầu năm, giá xăng dầu được điều chỉnh 7 đợt (6 đợt tăng giá và 1 đợt giảm giá), làm cho giá xăng dầu bình quân quý I tăng 45,96% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,54 điểm phần trăm. Một nguyên nhân khác do giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình quý I tăng 2,83% so với cùng kỳ do một số mặt hàng thực phẩm tăng, góp phần làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, giá gas bình quân quý I tăng thêm 50.000 đồng/bình 12 kg so với tháng 12-2021, tăng 20,78% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý I tăng 10,84% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào và giá cước vận tải tăng, làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm; dịch vụ giao thông công cộng quý I tăng 9,86% so với cùng kỳ năm trước do giá xăng dầu tăng cao, tác động làm CPI chung tăng 0,04 điểm phần trăm.
Đối với hoạt động dịch vụ, tính chung quý I-2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 7.359,2 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng xuất, nhập khẩu hàng hóa, tính chung trong quý I đạt 62,8 triệu USD, giảm 68,6%; trong đó, xuất khẩu tổng kim ngạch ước đạt 19,4 triệu USD, giảm 16,5% so cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu gồm: Thủy sản ước đạt 11,6 triệu USD, tăng 1,8% do thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ và một số nước Châu Âu không bị đóng cửa biên giới; nhân điều ước đạt 2,1 triệu USD, giảm 63,7%; hàng hóa khác (chủ yếu hàng dệt may) ước đạt 5,7 triệu USD, giảm 5,6%. Nguyên nhân các mặt hàng xuất khẩu giảm là do trong thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán, các cửa khẩu biên giới tại Lạng Sơn và Quảng Ninh hàng hóa ách tắc do phía Trung Quốc đóng cửa biên giới, việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Linh Giang