Hỏi – Đáp về phòng chống thiên tai

Hỏi: Một số người dân ở huyện Thuận Nam muốn biết công trình nào được xác định là công trình phòng, chống thiên tai? Nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai là gì?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật đê điều năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021, thì:

+ Công trình phòng, chống thiên tai là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, bao gồm trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai; công trình đê điều, hồ đập, kè, chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai.

+ Theo quy định, nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai gồm:

– Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.

– Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, tổ chức và cá nhân chủ động, cộng đồng giúp nhau.

– Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo phương châm bốn tại chỗ: chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.

– Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, địa phương và quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành.

– Phòng, chống thiên tai phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch và bình đẳng giới.

– Phòng, chống thiên tai phải dựa trên cơ sở khoa học; kết hợp sử dụng kinh nghiệm truyền thống với tiến bộ khoa học và công nghệ; kết hợp giải pháp công trình và phi công trình; bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.

– Phòng, chống thiên tai được thực hiện theo sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng và phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai.

 

Hỏi: Đề nghị cho biết nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai?

Trả lời: Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng chống thiên tai và Luật đê điều năm 2020, nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai gồm:

– Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai;

– Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền;

– Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền;

– Tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền;

– Người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.