Phát huy thế mạnh từ năng lượng tái tạo

Mặc dù trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhưng các dự án năng lượng tái tạo vẫn tiếp tục đẩy nhanh tiến độ. Cùng với những dự án đã hòa lưới điện quốc gia, những dự án mới đi vào hoạt động, góp phần tạo giá trị tăng thêm cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Hiện nay các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh đang tranh thủ thời gian, tập trung hoàn thiện các khâu cuối để đấu nối hòa lưới điện quốc gia phát điện thương mại. Với quyết tâm đầu tư và nỗ lực khắc phục khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, hầu hết các chủ đầu tư dự án năng lượng đã hoàn thành thi công xây dựng, hiện đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm, thẩm định để nghiệm thu. Các dự án đã chủ động phương án thi công, khắc phục khó khăn trong khâu nhập khẩu máy móc, thiết bị, đón chuyên gia nước ngoài đến làm việc và thực hiện bố trí nhân lực giãn cách theo đúng quy định về phòng, chống dịch. Nhờ đó, đã cơ bản hoàn thiện để trong thời gian tới tổ chức hòa lưới điện quốc gia phát điện thương mại. Đơn cử như Dự án Điện gió BIM (88 MW), hiện đã có 15/22 tuabin gió hoàn thành; trong tháng 9 toàn bộ dự án với 22 trụ gió và trạm biến áp 220 kV cũng sẽ hoàn thiện kịp đưa vào vận hành thương mại. Các Nhà máy Điện gió số 5 (Phước Hữu - Trung Nam), Điện gió Phước Hữu - Duyên Hải 1, Điện gió Chính Thắng (Ninh Phước và Thuận Nam), Điện gió Phước Minh cũng đã cơ bản hoàn thành để sẵn sàng đấu nối lên lưới điện quốc gia. Ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Điện gió 7A cho biết: Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi đã hoàn thành xây lắp và vận hành thử 12 tuabin gió. Đến cuối tháng 8, chúng tôi sẽ hoàn thành giai đoạn thử nghiệm để chủ động đấu nối, sớm hòa lưới điện quốc gia toàn bộ dự án.

Điện gió Phước Hữu - Trung Nam.

Bên cạnh những dự án thực hiện kịp tiến độ để hoàn thiện đấu nối trước tháng 11, cũng còn có một số dự án do chịu tác động của tình hình dịch COVID-19 nên chỉ hoàn thiện được một phần. Đơn cử như Dự án Điện gió Hanbaram (Thuận Bắc), còn khoảng 9 tuabin với công suất 37 MW rất khó hoàn thành kịp mốc trong năm 2021. Theo đại diện chủ đầu tư, để kịp thời hưởng giá điện ưu đãi, dự án sẽ hoàn thành 20 tuabin, để đấu nối vận hành thương mại tổng công suất hơn 80 MW trước trong tháng 10; số còn lại phải để lại hoàn thành phát điện sau.

Đối với Dự án Điện gió Lợi Hải 2 do Công ty Cổ phần Phong điện Bình Thuận làm chủ đầu tư với 7 tuabin gió, tổng công suất 29 MW hiện đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng xong phần hạ tầng và 7/7 hố trụ móng, thiết bị cũng đã được vận chuyển về đến chân công trình. Nhưng hiện khó khăn của dự án là thiếu đội ngũ chuyên gia nước ngoài và nhân lực vận hành thiết bị chuyên dụng để lắp ráp, nên nhiều khả năng dự án sẽ không kịp tiến độ hoàn thành trước tháng 11 như kế hoạch. Do đó chủ đầu tư xin lùi thời gian hoàn thành dự án sang đầu năm 2022.

Về dự án điện mặt trời, có 3 dự án đã hoàn thành thi công, đang trong giai đoạn hoàn thiện giá mua bán điện để vận hành phát điện thương mại trong năm 2021, đó là dự án: Năng lượng mặt trời Thiên Tân 1.2 (40 MW), Thiên Tân 1.3 (36 MW), Thiên Tân 1.4 (80 MW). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay Chính phủ chưa ban hành giá mua điện mặt trời nên các dự án này đều chưa ghi nhận sản lượng sản xuất.

Ngoài ra vẫn còn 2 Dự án Điện mặt trời Phước Thái 2 và Phước Thái 3 với tổng công suất 320 MW do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, theo kế hoạch tháng 9-2021 sẽ khởi công nhưng hiện nay chủ đầu tư xin tiếp tục lùi thời gian sang năm 2022 mới triển khai dự án, nên ảnh hưởng đến kế hoạch và kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong năm 2021.

Với sự phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong 7 tháng, tổng công suất điện toàn tỉnh đạt 3.783,5 triệu kWh, tăng 130,3% so với cùng kỳ; trong đó, điện gió đạt 305,3 triệu kWh, đạt 141,8%, điện mặt trời đạt công suất 2.697,9 triệu kWh đạt 139,7%. Từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu tác động của tình hình dịch COVID-19 nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt ở mức khá; tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt 2.617,8 tỷ đồng, đạt 67,1% kế hoạch và tăng 23,5% so với cùng kỳ; chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng tăng 36,83%. Góp phần tạo tăng trưởng ổn định và mạnh mẽ trong những tháng đầu năm có vai trò rất lớn của ngành sản xuất và phân phối điện với sức tăng trưởng đạt 64,4%; trong đó sản phẩm điện mặt trời có mức tăng cao nhất đạt 73,6% và và điện gió tăng 45,6%. Theo kế hoạch của ngành Công Thương, năm 2021 sẽ có 15 dự án năng lượng hoàn thành đi vào hoạt động, tổng công suất 7.837 MW. Theo đó, phấn đấu giá trị gia tăng lĩnh vực năng lượng ngành Công nghiệp năm 2021 phấn đấu đạt khoảng 3.340 tỷ đồng, tăng 20,7% so với năm 2020; đóng góp cho tăng trưởng chung khoảng 2,84% và hoàn thành đạt kế hoạch đề ra năm 2021.