Giám sát chặt chẽ không để lây nhiễm chéo COVID-19 trong khu cách ly tập trung

Từ ngày 31-7 đến ngày 8-8 có 186 người mắc COVID-19, đây là các trường hợp người dân trong tỉnh về từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh có dịch và được cách ly tại các khu cách ly tập trung (CLTT) trên địa bàn tỉnh.

Nhiều người dân và dư luận lo lắng liệu có xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu vực CLTT? Bác sỹ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, cho biết: Qua phân tích yếu tố dịch tễ, số ca FO phát hiện gia tăng đồng loạt tại các khu cách ly đều có liên quan đến nhóm người từ Đồng Nai về địa phương từ ngày 31-7 đến nay, được bố trí phân tán (ngẫu nhiên) đến các khu CLTT, không có tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu CLTT trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, trước các ca mắc COVID-19 tăng trong các khu CLTT trong thời gian qua, CDC tỉnh đã tiến hành phân tích, điều tra dịch tễ, cho thấy có 134/186 ca bệnh (chiếm 72%) chủ yếu là của nhóm người từ Đồng Nai (về từ ngày 31-7), đây đều là người lao động cho các khu công nghiệp, có tiền sử dịch tễ từng làm việc chung, sinh hoạt cư trú tập trung (khu nhà trọ) tại xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai-là xã có dịch COVID-19 bùng phát đang phong tỏa. Nhóm người từ Đồng Nai về này có thời gian ủ bệnh tương đồng nhau (cảm nhiễm cùng lúc) trước khi về địa phương, phù hợp với hướng dẫn của Bộ Y tế về bệnh COVID-19 thời gian ủ bệnh và hiện nay đủ thời gian để đồng loạt phát bệnh không có triệu chứng (được phát hiện bằng Test kháng nguyên và xét nghiệm PCR định kỳ 3 ngày/lần). Cùng với đó, nhóm người từ Bình Dương và TP Hồ Chí Minh về có đặc điểm dịch tễ khác, không cùng làm việc chung, sinh hoạt chung trong vùng dịch trước khi về địa phương; nhưng có nguy cơ lây nhiễm chéo vào lúc tối ngày 31-7 tại Khu Công nghiệp Thuận Nam (đây là điểm tập kết dự kiến lúc đầu chỉ đón hơn 460 công dân về từ Đồng Nai, nhưng đến đêm 31-7 đã có hơn 1.700 công dân tự phát về tỉnh từ các tỉnh/thành phố có dịch), sau đó được di chuyển về các các khu CLTT.

Người dân từ Đồng Nai về tỉnh được đưa vào khu cách ly tập trung tại Trường THPT Phạm Văn Đồng
(xã Phước Hậu, Ninh Phước) bảo đảm an toàn, không có tình trạng lây nhiễm chéo. Ảnh: Văn Nỷ

Trong khi đó, qua kiểm tra các khu CLTT từ tỉnh đến huyện, xã đều đảm bảo các quy định cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cụ thể, các khu CLTT đều ban hành quy trình kiểm soát phòng ngừa lây nhiễm chéo; có đủ phương tiện khử khuẩn, trang phục phòng hộ cá nhân cho người thực hiện nhiệm vụ; có quy chế hoạt động, quản lý. Hướng dẫn tuyên truyền cho người cách ly biết nội quy trong khu cách ly. Ngoài ra, qua giám sát đối với khu CLTT tỉnh, không thấy FO mới có liên quan, tiếp xúc giữa vùng cách ly người F1 và người từ vùng dịch. Đối với khu CLTT tuyến huyện/thành phố, ghi nhận các FO phát hiện gần đây đều sinh hoạt chung trong một phòng, chưa thấy dấu hiệu FO liên quan đến khu vực khác và các phòng cách ly khác trong cơ sở. Đối với khu CLTT tuyến xã, được thành lập nhanh chóng, đáp ứng được tình hình khẩn cấp, đột xuất với lượng người về quá lớn trong thời gian rất ngắn. Mặc dù trong ngày đầu tiên, có sự xáo trộn giữa các nhóm người về từ vùng dịch, chưa có cơ hội để phân nhóm nguy cơ để bố trí vào phòng cách ly (yếu tố tiềm ẩn có thể lây chéo trong quá trình cách ly). Ghi nhận nhiều trường hợp F0 tại cơ sở cách ly Phước Sơn, Trường Nguyễn Bình Khiêm, khu cách ly Huỳnh Phước, hầu hết là những người được cách ly chung trong một phòng (khối cảm nhiễm có thể có cùng thời gian ủ bệnh). Tuy nhiên, ngay sau đó các khu CLTT tuyến xã được kịp thời khắc phục, đầu tư, bổ sung nhân lực, cơ sở vật chất, y tế đáp ứng được quy định về công tác phòng, chống dịch. Từ phân tích dịch tễ trên, cho thấy không có tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu CLTT trên địa bàn tỉnh.

Bác sỹ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc CDC tỉnh, cho biết thêm: Để công tác phòng, chống dịch COVID-19 đạt hiệu quả cao, nhất là phòng, chống, không để lây nhiễm chéo SARS-CoV-2 trong các khu CLTT, các địa phương cần tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các khu CLTT trên địa bàn. Tiếp tục tích cực việc giãn cách, giảm mật độ người cách ly trong cùng phòng, quản lý kiểm soát nghiêm ngặt người cách ly không được tiếp xúc giữa các phòng cách ly. Hạn chế di chuyển người đang cách ly từ khu vực này sang khu vực khác cũng đang có người đang cách ly thuộc nhóm nguy khác. Nếu thực hiện giãn cách cần phải di chuyển người thì nên chuyển đến khu vực cách ly còn trống chỗ, khu vực đảm bảo phân biệt được với các khu vực cách ly khác. Dự trữ các phòng cách ly đệm khi phát hiện hiện FO bằng Test nhanh kháng nguyên mỗi người 2 ngày/lần, tách riêng ngay để cách ly riêng biệt, số người cách ly cùng FO phải tiếp tục cách ly đủ 14 ngày kể từ ngày FO được phát hiện. Tăng cường xét nghiệm sàng lọc bằng Test nhanh kháng nguyên khi phát hiện người có triệu chứng, sốt, ho để tách cách ly riêng biệt ngay khi có thể. Tăng cường nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát và yêu cầu công dân cách ly chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch như: giữ khoảng cách ở từng phòng, không được tiếp xúc trao đổi với phòng khác, chấp hành quy định, thời gian sinh hoạt tại khu cách ly theo quy định; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng chống dịch trong khu cách ly.