Nâng cao ý thức của người tham gia giao thông để giảm thiểu tai nạn

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I/2021, trên cả nước đã xảy ra 3.206 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 1.672 người, bị thương 2.386 người. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 263 vụ (7,58%), số người bị thương giảm 183 người nhưng số người chết tăng 33 người (2,1%). Dù có chuyển biến tích cực nhưng kết quả kiềm chế và làm giảm TNGT chưa vững chắc, vẫn xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người.

Số người chết và bị thương do TNGT vẫn ở mức cao

Để kiềm chế TNGT, trong những năm qua, các đơn vị chức năng đã liên tục triển khai nhiều biện pháp. Ngoài tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm luật giao thông, công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân cũng được đẩy mạnh thực hiện. Cùng với đó, các ngành, đoàn thể cũng xây dựng những mô hình an toàn giao thông (ATGT); hạ tầng giao thông được sửa chữa, nâng cấp... Nhờ đó, TNGT đã được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tuy nhiên, số người chết và bị thương do TNGT vẫn ở mức cao. Theo thống kê của Bộ Công an, trong 10 năm (từ năm 2009 đến năm 2019), cả nước đã xảy ra 326.299 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 97.721 người, bị thương 329.756 người. Trung bình mỗi năm, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng của gần 10.000 người.

Năm 2020, các vụ TNGT liên quan xe tải nặng, ô tô đầu kéo, xe container tăng đột biến. Điển hình là vụ TNGT ngày 13-6 tại Đắc Nông khiến 5 người chết, một vụ khác xảy ra vào ngày 21-7 tại Bình Thuận khiến 8 người tử vong. Nghiêm trọng nhất là vụ TNGT tại Bình Dương ngày 26-7 đã cướp đi sinh mạng của 15 người và khiến 22 người khác bị thương.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý I-2021, trên cả nước đã xảy ra 3.206 vụ TNGT, làm chết 1.672 người, bị thương 2.386 người. So với cùng kỳ năm 2020, giảm 263 vụ (7,58%), số người bị thương giảm 183 người nhưng số người chết tăng 33 người (2,1%). Dù có chuyển biến tích cực nhưng kết quả kiềm chế và làm giảm TNGT chưa vững chắc, vẫn xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết nhiều người, tình hình vi phạm về tải trọng xe vẫn còn tiếp diễn ở nhiều nơi, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn chưa được giải quyết và có xu hướng gia tăng.

TNGT gây thiệt hại về cả người lẫn kinh tế, ảnh hưởng từng gia đình cũng như toàn xã hội. Thiệt hại về nhân mạng là không gì bù đắp được. Theo thống kê, phần lớn trong những người bị TNGT nằm trong độ tuổi lao động. Phía sau những cái chết là hàng ngàn gia đình bị tổn thương, con nhỏ mất đi cha, mẹ, người già mất nơi nương tựa. Không chỉ gây tổn thất rất lớn cho cá nhân, gia đình, TNGT còn ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế, tạo gánh nặng cho xã hội. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tai nạn giao thông ở Việt Nam gây thiệt hại 2,5% GDP/năm, tương đương mỗi ngày 300-500 tỷ đồng.

Nâng cao ý thức để kéo giảm TNGT

Người dân lưu thông an toàn trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa phận huyện Ninh Phước. Ảnh: Văn Nỷ

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, TNGT xảy ra do nhiều nguyên nhân: do hạ tầng, do phương tiện, do con người, trong đó nguyên nhân do con người vẫn là chủ yếu. Do đó, để đạt mục tiêu kéo giảm TNGT, cần thực hiện một loạt giải pháp đồng bộ, từ quy hoạch giao thông, đầu tư hạ tầng, đăng kiểm phương tiện, siết chặt công tác đào tạo, sát hạch lái xe, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự ATGT, tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông...

Trong đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, khi mật độ giao thông tại các địa phương đều tăng cao, đặc biệt là khu vực thành thị; cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân.. thì vấn đề nâng cao ý thức người tham gia giao thông đóng vai trò tiên quyết. Một trong những giải pháp lâu dài, có thể dẫn đến thay đổi nhận thức và hành vi của người tham gia giai thông chính là tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT.

Liên quan đến vấn đề này, nhân Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT 15-1-2020, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã kêu gọi các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các tổ chức, đoàn thể và mọi người dân hãy nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông, cùng tự giác thực hiện đã uống rượu, bia-không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu khi lái xe; luôn đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe máy; luôn thắt dây an toàn khi ngồi trên ô-tô; nhường nhịn, giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông… cùng nhau tạo lập một môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân, cần tăng cường, tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường sắt, đường thủy nội địa và đường bộ; xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn; chạy xe quá tốc độ, xe khách chở quá số người quy định; đi xe mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3 đến 4 người…

Cùng với đó cần siết chặt quản lý vận tải và duy trì kiểm soát tải trọng phương tiện từ đó ngăn chặn kịp thời các vi phạm về quá tải trọng; chia sẻ các dữ liệu như quản lý lái xe, phương tiện, xử lý vi phạm, hạ tầng giao thông, kiểm định phương tiện, giám sát hành trình… Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông.

Tăng cường quản lý hành lang ATGT đường bộ không để tình trạng lấn chiếm hành lang ATGT. Chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua phối hợp chặt với các cơ quan chức năng quản lý hành lang an toàn đường sắt, có biện pháp đảm bảo ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt; từng bước xóa bỏ lối đi dân sinh tự mở theo lộ trình.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã yêu cầu gắn trách nhiệm người đứng đầu của ngành, đơn vị, địa phương nếu để xảy ra TNGT trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Và Dự luật Đảm bảo trật tự ATGT đang được Bộ Công an lấy ý kiến cũng có những quy định rõ ràng, cụ thể về quyền hạn, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, góp phần kéo giảm TNGT ở Việt Nam.

Theo TTXVN