Khó khăn thực hiện Đề án thanh toán viện phí không dùng tiền mặt

Theo Đề án “Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt áp dụng tại một số bệnh viện tuyến tỉnh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2020-2025” của UBND tỉnh, mục tiêu đến năm 2025, có 5 bệnh viện tuyến tỉnh triển khai thực hiện dịch vụ thanh toán viện phí (TTVP) ngoại trú và nội trú không dùng tiền mặt, mà chuyển sang phương thức sử dụng thẻ khám bệnh (áp dụng cho các bệnh viện đủ điều kiện đáp ứng cơ sở hạ tầng cho việc kết nối thanh toán) và kết hợp với các phương thức khác như ví điện tử, Mã QR/QRCode... để đảm bảo số bệnh nhân TTVP không dùng tiền mặt tăng tối thiểu 10%/năm. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện Đề án gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Tiện ích nhưng người dân chưa “mặn mà”

Là đơn vị y tế đầu ngành, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt riêng 1 Đề án TTVP không dùng tiền mặt, giai đoạn 2020-2025. Để triển khai thực hiện Đề án, đầu năm 2021, bệnh viện phối hợp với Ngân hàng Quân đội lắp đặt hệ thống thanh toán nộp tiền online trên phần mềm HIS (phần mềm quản lý bệnh viện); đồng thời phối hợp với Tập đoàn Vietsens phát hành miễn phí 1 triệu thẻ khám bệnh miễn phí giúp cho bệnh nhân tiếp cận được những tiện ích hiện đại. Bác sĩ Thái Phương Phiên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đối với TTVP bằng tiền mặt, bệnh viện phải sử dụng nhiều nhân lực, việc thanh toán vẫn chậm, gây khó khăn và ảnh hưởng đến sự hài lòng người bệnh, thân nhân người bệnh. Với phương thức thanh toán bằng thẻ điện tử giúp cho bệnh viện đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí quản lý, hạn chế rủi ro trong giao dịch, giảm tải khâu tiếp đón bệnh nhân đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm, tiết kiệm chi phí, nhân lực cũng như thời gian làm việc, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả; đặc biệt tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số bệnh viện, hướng tới bệnh viện thông minh.

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn bệnh nhân đăng ký khám bệnh bằng thẻ điện tử.

Riêng đối với bệnh nhân, khi đến khám bệnh rút ngắn thời gian thanh toán, tiết kiệm được thời gian, công sức; giảm nhẹ áp lực mất mát tiền khi đi lại và trong quá trình nằm điều trị; người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán. Ngoài ra, sau khi thanh toán online ở bệnh viện, người bệnh có thể sử dụng thẻ để thực hiện các dịch vụ khác như quẹt POS tại các điểm bán hàng, rút tiền mặt tại cây ATM hoặc quầy giao dịch của ngân hàng, chuyển khoản trong hệ thống ngân hàng...

Tiện ích rất rõ ràng, tuy nhiên, số lượt bệnh nhân làm thẻ khám chữa bệnh điện tử và sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ lại không nhiều. Theo số thống kê của bệnh viện, đến nay, bệnh viện đã cấp khoảng 1.700 thẻ. Tỷ lệ bệnh nhân đã có thẻ sử dụng thẻ để thanh toán cũng rất thấp.

Tại các bệnh viện còn lại, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi được Ngân hàng VietinBank đầu tư máy POS tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân thanh toán qua thẻ, tuy nhiên số bệnh nhân sử dụng dịch vu này rất ít.

Cần thay đổi thói quen dùng tiền mặt

Một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong thực hiện Đề án đó là người dân khó từ bỏ thói quen sử dụng tiền mặt. Số người dân dùng các loại thẻ ngân hàng để giao dịch còn thấp. Nhiều người có thẻ ngân hàng nhưng không biết sử dụng các phần mềm ứng dụng để nhận, chuyển tiền. Việc lắp đặt máy POS, cũng như các loại thẻ được sử dụng tại các bệnh viện bị hạn chế dẫn đến việc thanh toán qua thẻ của người dân cũng bị hạn chế theo…

Đơn cử như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện việc TTVP qua thẻ chỉ được áp dụng đối với những bệnh nhân sử dụng thẻ khám, chữa bệnh điện tử do Ngân hàng Quân đội cung cấp. Trong khi đó, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có trụ sở giao dịch của ngân hàng này nên người dân không thể trực tiếp đến nộp tiền vào tài khoản, mà phải sử dụng các hình thức chuyển tiền liên ngân hàng dẫn đến số bệnh nhân sử dụng thẻ để thanh toán còn rất thấp. Thực tế nhiều bệnh nhân sử dụng thẻ đến khám bệnh nhưng mục đích để giảm bớt các thủ tục, rút ngắn thời gian, sau khi khám bệnh, lại đến quầy thu viện phí để thanh toán.

Hay như tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi chỉ TTVP bằng thẻ của Ngân hàng Công Thương chứ không TTVP bằng thẻ của các ngân hàng khác. Bác sĩ Trần Trọng Danh cho biết thêm: Bệnh nhân của bệnh viện đa số nằm trong diện bảo hiểm y tế 100%, người già, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... hầu như không có hoặc không dùng thẻ ngân hàng.

Như vậy, để nâng cao hiệu quả Đề án TTVP không dùng tiền mặt, trước tiên cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, giúp người dân hiểu rõ hơn tiện ích, lợi ích trong việc thực hiện phương pháp TTVP này. Cần có thêm các phương thức thanh toán linh hoạt, người bệnh có thẻ của ngân hàng nào cũng có thể thanh toán được giống như các cửa hàng, siêu thị... Ngoài ra, các các bệnh viện, đặc biệt các ngân hàng cũng cần hướng dẫn, hỗ trợ, giúp người dân tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tiện ích, từng bước tạo thói quen sử dụng thanh toán điện tử trong giao dịch.