Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong báo cáo định kỳ công bố ngày 11-4 về “Triển vọng kinh tế thế giới”, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao bất chấp những nguy cơ mới đe dọa tiến trình phục hồi sau khủng hoảng.
Trong nhận định chung, IMF cho biết các điều kiện tài chính tiếp tục được cải thiện dù vẫn hết sức mong manh. Hoạt động kinh tế trong các nền kinh tế thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển đều được cải thiện, trong khi niềm tin gia tăng ở các nền kinh tế phát triển. Báo cáo trên dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 4,5% trong cả năm 2011 và 2012, trong đó tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) của các nền kinh tế phát triển và đang phát triển tăng lần lượt là 2,5% và 6,5%.
Đối với các nước thuộc nhóm BRIC (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc), IMF ước tính tăng trưởng nhóm này sẽ đạt 4,4% trong năm 2011. Riêng với nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ), IMF dự báo tăng trưởng năm 2011 sẽ ở mức khiêm tốn là 2,8%, trong khi đó con số này của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sẽ lên tới 9,6%.
Tại châu Âu, IMF cho biết đà phục hồi đang được lấy lại bất chấp những khó khăn tài chính ở Hy Lạp, Ai-xơ-len và Bồ Đào Nha. Quỹ này đã tăng mức dự báo tăng trưởng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) lên mức 1,6% trong năm 2011 và 1,8% năm 2012. Khu vực Nam sa mạc Xa-ha-ra (Sahara) thuộc châu Phi đã bước vào quỹ đạo tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, trong khi các nền kinh tế khu vực Mỹ
La-tinh và Ca-ri-bê (Caribe) tiếp tục được cải thiện nhờ vào nguồn vốn đầu tư mạnh cũng như nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của Trung Quốc. Tăng trưởng tại khu vực này ước đạt 4,7% trong năm 2011 và 4,25% trong năm 2012.
Tuy nhiên, IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu vẫn đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược”, đặc biệt xuất phát từ tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng do bất ổn ở Trung Đông và Bắc Phi, dù vẫn cho rằng những vấn đề mới chưa nghiêm trọng tới mức làm chệch đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuôc Đại Suy thoái hồi thập niên 1930 của thế kỷ trước. Các chuyên gia của IMF cũng cảnh báo tăng trưởng kinh tế hiện chưa đủ mạnh để tạo việc làm, bù đắp cho tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao. Hiện cả thế giới có khoảng 205 triệu người đang tìm việc làm, tăng mạnh so với con số 30 triệu người trong năm 2007. Tình trạng thất nghiệp tiếp tục gia tăng trong giới thanh niên, thêm vào đó giá cả tăng cao cũng đặt ra những thách thức chính sách mới, đe dọa các hộ gia đình nghèo, đồng thời làm gia tăng căng thẳng xã hội.
Trong khi đó, thế giới vẫn cần phải đối phó với các thách thức cũ về cải tổ tài chính và tiền tệ, tái cân bằng nhu cầu toàn cầu. Nợ công tăng cao và các thị trường bất động sản vẫn suy thoái, đang tiếp tục đe dọa sự ổn định của các nền kinh tế phát triển đặc biệt là trong Eurozone. IMF khuyến cáo các nền kinh tế mới nổi cần cảnh giác trước tình trạng phát triển quá nóng hoặc nguy cơ bùng nổ tín dụng, trong khi các nền kinh tế phát triển phải tiếp tục duy trì lãi suất thấp để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.
(Theo TTXVN)