Trải qua gần 30 năm tái lập tỉnh (năm 1992), ngành du lịch Ninh Thuận đã nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, xây dựng và trưởng thành, từng bước đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp vào phát triển KT-XH của tỉnh. Nếu như giai đoạn 1992 – 2005 tăng trưởng du lịch còn đạt thấp, thì bước sang giai đoạn 2006-2020 tốc độ tăng trưởng du lịch có tính bứt phá và ngoạn mục; lượt khách tăng trưởng bình quân 16%/năm, doanh thu du lịch tăng trưởng bình quân 17,7%/năm…, các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đều đạt và vượt. Hệ thống cơ sở lưu trú tiếp tục phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu thị trường. Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 150 cơ sở lưu trú du lịch tương ứng 3.300 phòng, với số phòng đạt tiêu chuẩn tương đương 3 sao trở lên chiếm trên 40%. Ngoài ra, hiện nay tỉnh cũng đang thu hút 58/67 dự án du lịch cao cấp có vốn đầu tư đăng ký khoảng 28.000 tỷ đồng, tập trung phát triển ở dải ven biển, Vườn quốc gia Núi Chúa và Vườn quốc gia Phước Bình, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm… , tạo ra nhiều diện mạo mới, thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững trong tương lai.
Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi họp mặt.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương, ghi nhận những đóng góp của ngành du lịch không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa mà còn là kênh thông tin quan trọng quảng bá con người và vùng đất Ninh Thuận. Đồng chí đề nghị, trong những năm tiếp theo, ngành du lịch tỉnh cần khai thác tốt lợi thế và các tiềm năng sẵn có, nâng cao chất lượng và đa dạng các sản phẩm; đồng thời đổi mới tư duy, cách làm du lịch sáng tạo để sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Xuân Nguyên