Với mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai thông qua việc tái thiết các công trình hạ tầng ưu tiên bị thiệt hại nặng nề do bão lũ và tăng khả năng ứng phó có hiệu quả đối với các vấn đề thiên tai trong tương lai. Tiểu dự án tại tỉnh ta thuộc Dự án “Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai tại một số tỉnh miền Trung” có tổng mức đầu tư 18,258 triệu USD, trong đó, vốn vay của WB 16 triệu USD, vốn đối ứng trong nước 2,258 triệu USD; bao gồm 2 hợp phần: Tái thiết cơ sở hạ tầng bị hư hỏng do lũ lụt và quản lý dự án. Thời gian thực hiện từ 2017 đến 2021. Đến giữa tháng 6/2020, đã tiến hành ký kết hợp đồng với 4 Gói thầu thuộc hợp phần 1, các Gói thầu còn lại tại 2 hợp phần dự kiến sẽ ký kết trong tháng 7/2020…
Đồng chí Trần Quốc Nam,UVTVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Đoàn công tác Ngân hàng Thế giới.
Trước nhận định của WB cho rằng tiến độ thực hiện dự án tại tỉnh cơ bản còn chậm so với mặt bằng chung 5 tỉnh thuộc dự án, đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan giải trình do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan. Trong đó, chủ yếu là do quy trình thủ tục hành chính chuyển đổi từ việc hiến đất sang đền bù giải phóng mặt bằng; thẩm tra, phê duyệt giá thay thế; nguồn nhân lực để thực hiện công tác đền bù mà đặc biệt là các Trung tâm quỹ đất huyện và do chế độ chính sách của nhà nước có sự thay đổi theo Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/08/2019 của Chính phủ…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNN tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình của các Gói thầu; tính toán cân đối nguồn vốn và thời gian triển khai thi công cụ thể không vượt nguồn vốn và tiến độ tổng theo Hiệp định ký kết trước đó (31/12/2021). Bên cạnh đó, đồng chí mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của WB để thực hiện các bước tiếp theo của dự án đảm bảo tiến độ chung của dự án, chất lượng, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Xuân Nguyên