Một số địa danh xưa ở Ninh Thuận

(NTO) Ở tỉnh Ninh Thuận có rất nhiều địa danh xưa, ngày nay ít người biết gốc gác như thế nào. Bài này tôi xin giới thiệu một số địa danh để chúng ta cùng thảo luận cho tường gốc tích.

Đồi Ma Thiên Lãnh (tên cũ): Ở khu vực Đề-pô và ga Tháp Chàm thuộc phường Đô Vinh, đồi cao 34m. Thời Pháp người dân quen gọi đồi này là đồi Ma Thiên Lãnh, địa điểm xây dựng khu nhà ở cho viên chức Hỏa xa, cũng là địa điểm trước năm 1975 có bến xe lam 2 chiều đi về Phan Rang – Tháp Chàm. Sách lịch sử địa phương ghi: "Tháp Chàm: gồm 2 làng Bảo An, Đô Vinh đều có ngũ hương (lý trưởng, hương bổn), thuộc tổng Đắc Nhơn và khu vực Sở Hỏa xa (ga, đề-pô, Ma Thiên Lãnh)" . Tên gọi đồi Ma Thiên Lãnh là do đi bộ lên xuống đồi này nhọc nhằn, khó khăn như cửa ải Ma Thiên Lãnh trong truyện Tiết Nhơn Quý chinh Đông, một ải hiểm yếu mà nhiều lần Tiết Nhơn Quý đánh Cáp Tô Văn.

Bến xe Lam - Tháp Chàm đi Phan Rang năm 1967.

Đồng Mé: Dân gian ngày nay vẫn gọi Đồng Mé, địa phận 3 thôn: Phú Thạnh, Phú Thủy, Phú Thuận thuộc xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn. Trong lịch sử có lúc Đồng Mé là tên quận: "Tháng 3-1948: Pháp dồn dân 4 làng thuộc xã Thuận Thủy (huyện An Phước) sang bên kia sông lập làng kiểm soát, cạnh đồn Đồng Mé (là chỗ chưa có dân)", "Tháng 11-1948: Pháp sáp nhập Ninh Thuận gồm 4 quận (quartier): Tháp Chàm, Ninh Chử, Đồng Mé, Phan Rang vào Chi khu Nha Trang" .

Tên gọi Đồng Mé có nhiều cách giải thích khác nhau: Theo rất nhiều người cao tuổi giải thích là xưa vùng này có nhiều cây me, nên gọi Đồng Me, người Pháp đọc trại đi là Đồng Mé, (me => mé), ngày nay ở đây vẫn còn rất nhiều cây me hai bên quốc lộ 27; cách thứ hai, ngày xưa đây là cánh đồng khai khẩn bên mé rừng đồi, bên mé sông Cái nên gọi như thế; lại có cách giải thích khác, người Raglai phát âm palơi Rumeih, người Chăm gọi là palei Tamaih, có nghĩa là phụ, thứ yếu, giải thích và hướng nghiên cứu theo phát âm Rumeih, Tamaih (phát âm gần với Ru/ Ta+Mé), nôm na đi làm trên cánh đồng Mé có lý hơn.

Bà Râu: Thôn cũ, nay tách 2 thôn Bà Râu 1, Bà Râu 2, xã Lợi Hải, Thuận Bắc. Sự kiện lịch sử: Tháng 7-1957, chính quyền Ngô Đình Diệm dồn đồng bào ở xã Phước Kháng, Phước Chiến (ở trên núi cao) xuống khu tập trung Bà Râu. "Đêm 30 tết Kỷ Hợi (7-2-1959), gần 3.000 đồng bào Phước Kháng, Phước Chiến bị dồn về tập trung Bà Râu đồng loạt nổi dậy phá khu tập trung kéo nhau về núi" .

Về địa danh Bà Râu có nhiều cách giải thích: Bà Râu, nhiều người giải thích gốc từ Pajâu, tiếng Raglai là thầy cúng, nghĩa là trong xóm có ông thầy cúng; cách giải thích khác cho rằng ngày xưa ở đây có ao lớn, quanh có rau dại, người ta đi quanh hái rau ăn, gọi là Bờ Rau; theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên, "bì-rầu" (Bà Râu) là chỉ một họ mới của người Raglai trong truyền thuyết, tiếng Raglai, "bì-rầu" nghĩa là mới; tác giả Lê Trung Hoa viết: "Bà Râu - Xứ xưa ở tỉnh Ninh Thuận. Bà Râu gốc Chăm Po Inư Nưgar Mư Rau, chưa biết nghĩa" .

Địa danh trong tỉnh Ninh Thuận còn quá nhiều điều thú vị, ngạc nhiên, ví dụ cầu Bảo, nguyên xưa bên cầu gỗ nhỏ có quán nước bà tên Bảo, sách sử ghi là cầu Mụ Bảo, theo dòng thời gian dần dần thay đổi, quên lãng. Hy vọng cũng như các bài giới thiệu trước, bài này sẽ góp phần làm sáng tỏ hơn địa danh ở quê hương.