Quê hương qua góc nhìn của nghệ sỹ nhiếp ảnh

(NTO) Trải qua 41 năm giải phóng Ninh Thuận và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; 24 năm tái lập tỉnh…, suốt chiều dài lịch sử đã qua là những ký ức đầy tự hào và khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ của quê hương Ninh Thuận. Đối với những người nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA), mỗi khoảnh khắc về sự chuyển mình của quê hương đều được họ “ghi chép” bằng những cảm nhận, những góc nhìn của cuộc sống với chính cảm xúc của người nghệ sĩ.

Ninh Thuận là vùng đất “thiếu mưa, thừa nắng”, với những cảnh vật cùng nhiều nền văn hóa dân tộc đặc sắc đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho không ít các NSNA. Nếu tập hợp lại các bức ảnh lại, sắp xếp theo trình tự thời gian, chúng ta sẽ có một góc nhìn mới lạ, một vẻ đẹp riêng có của đất và người Ninh Thuận.

Vũ khúc trên đồng muối.Ảnh: Văn Bửu

Chứng kiến sự đổi thay ấy, các nghệ sĩ đã kịp ghi lại những chặng đường phát triển mang tính bước ngoặt. NSNA Đinh Duy Bê, năm nay đã qua tuổi thất thập, người được coi là “cây cổ thụ” trong “làng” nhiếp ảnh của tỉnh đã có rất nhiều tác phẩm phản ánh chân thực, sống động về cuộc sống đời thường của đất và người Ninh Thuận. Trong cuộc đời nhiếp ảnh của mình, ông đã nhận được rất nhiều giải thưởng nhiếp ảnh của Việt Nam cũng như quốc tế. Các tác phẩm của ông thường mang chiều sâu tư duy cảm thụ, niềm suy tư, chuyên chở và hòa quyện tình cảm của người nghệ sĩ với số phận con người, nổi bật phải kể đến các tác phẩm như: “Sương đêm” mô tả Nhà máy Thủy điện Đa Nhim mờ ảo, trập trùng trong sương; hoặc các tác phẩm phảng phất nét đẹp thiên nhiên như: “Gió thu”, “Chút hơi tàn”… NSNA Đinh Duy Bê chia sẻ: Nhiếp ảnh là một nghệ thuật mà ở đó, mỗi người nghệ sỹ cần thả hết tâm hồn và trái tim vào mỗi tác phẩm của mình, làm sao để người xem cảm nhận chiều sâu của bức ảnh thì đó mới là một tác phẩm thành công…

Sương đêm. Ảnh: Duy Bê

Một cây “đại thụ” khác trong nghệ thuật nhiếp ảnh của tỉnh là NSNA Nguyễn Văn Bửu (hay còn gọi là anh Tư Bửu), năm nay cũng đã bước sang tuổi 76. Với bề dày 50 năm cầm máy, anh Tư Bửu đã đi và “chớp” hàng ngàn bức ảnh về cuộc sống, con người, cảnh vật quê hương, đất nước. Mỗi tác phẩm của anh đều có “cái hồn” rất riêng, thiên về nét đẹp phong cảnh và “đặc tả” chân dung con người nông thôn chất phác, đôn hậu. Anh chia sẻ: “NSNA là người chép sử bằng hình ảnh, để có một tấm ảnh đẹp phải ghi bằng cảm xúc, bằng chiều sâu của tâm hồn. Người xem một bức ảnh thấy đẹp nhưng mấy ai hiểu rằng để có được một bức ảnh ấn tượng, người cầm máy phải chờ đợi từng phút giây, khoảnh khắc để chọn góc nào “đắt”, bố cục hợp lý. Nhiều bức ảnh có giá trị, không phải bởi nó chụp lại những gì to lớn mà từ chính những khoảnh khắc đời thường nhất, ví dụ như những chàng trai, cô gái Chăm say sưa ca hát, những bức chân dung sâu lắng, đơn sơ, mộc mạc của người Raglai, hay hình ảnh những bến nước, con đò quê hương…”. Một số tác phẩm nổi bật của anh Tư Bửu về quê hương Ninh Thuận phải kể đến như: “Hoài niệm”, triển lãm tại Cộng hòa Áo năm 2000; “Mẹ Raglai”, triển lãm tại Cộng hòa Séc năm 2000; “Chị em”, triển lãm tại Hoa Kỳ năm 2010; “Bình minh Đầm Nại"; “Chờ sang”; “Vũ khúc trên đồng muối”; “Tháp Pô Klong Garai”.

Vĩnh Hy mùa cá thu. Ảnh: Phạm Tấn Lực

Nói đến những NSNA “kỳ cựu” của mảnh đất Ninh Thuận không thể không kể đến những tên tuổi khác như: Phạm Tấn Lực, Lê Văn Đức, Võ Mậu Khiêm… Tiếp bước các đàn anh, hiện nay, Ninh Thuận cũng xuất hiện nhiều NSNA xuất sắc với nhiều góc nhìn độc đáo, những cách sáng tạo và kỹ thuật cao. NSNA Lê Văn Hùng là một tên tuổi quen thuộc trong làng nhiếp ảnh Việt Nam. Anh là hội viên Hội NSNA Việt Nam; hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật Ninh Thuận; Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tại Ninh Thuận. Là người con Ninh Thuận, anh đã có trên 20 năm cầm máy đi và chụp. Ảnh của anh lấp lánh ánh sáng, sắc màu tươi mới, giàu chất thi ca, gợi cho lòng người về những nét đẹp hồn hậu về đất nước, quê hương, con người Ninh Thuận; với nhiều thể loại phản ánh những thành tựu về kinh tế-xã hội, cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của con người Ninh Thuận trong phát triển và hội nhập; phản ánh những vẻ đẹp quyến rũ của thiên nhiên và của những công trình nhân tạo, những sản phẩm từ bàn tay con người làm ra... Một số tác phẩm tiêu biểu của anh như: Huy chương Vàng  cuộc thi ảnh Biên giới Biển đảo Việt Nam năm 2012 với tác phẩm “Trường Sa Việt Nam”; Huy chương Đồng triển lãm ảnh Nghệ thuật toàn quốc lần thứ 25 năm 2008 với tác phẩm “Tình nguyện viên”; Giải thưởng xuất sắc của Hội NSNA Việt Nam năm 2010; Giải B và Huy chương Đồng miền Đông Nam Bộ năm 2010 với tác phẩm “Trò chơi dân gian”; Huy chương Bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực miền Đông Nam Bộ năm 2010 với tác phẩm “Dáng quê”. NSNA Lê Văn Hùng chia sẻ: Cầm máy ảnh trên tay, chụp lại những khoảnh khắc thay đổi của Ninh Thuận, thực sự tôi thấy vô cùng tự hào. Được sinh ra và lớn lên trên quê hương Ninh Thuận, tôi càng thêm yêu mến mảnh đất nắng gió này. Tôi đi nhiều nơi, đến từng vùng đất Ninh Thuận để ghi vào ống kính những nét đẹp, sự vươn mình đi lên của quê hương.

Trường Sa. Ảnh: Lê Văn Hùng

Còn rất nhiều tên tuổi trong “làng” nhiếp ảnh của tỉnh nhà đã để lại nhiều cảm xúc cho người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Tất cả họ đang âm thầm ghi lại và lưu giữ những khoảnh khắc về quá khứ, hiện tại cũng như tương lai của đất và con người quê hương Ninh Thuận.