Đình làng La Chữ

(NTO) Làng La Chữ địa danh gần gũi thân thương đối với mỗi người dân Ninh Thuận. Có những người con miền "nắng gió" Phan Rang khi xa quê vẫn da diết nhớ về La Chữ như nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Đình làng La Chữ tuy không mang dấu ấn cổ kính nhưng sân đình và cây sộp đại thụ là “nhân chứng” tinh thần tụ nghĩa và ý chí quật cường của người dân địa phương.

Các cụ cao niên làng La Chữ cho biết làng hình thành vào khoảng năm 1885. Vùng đất này thuở xa xưa có tục danh Nha Chá rừng rậm hoang vu. Hưởng ứng phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông Phan Lành lãnh đạo nghĩa quân lập căn cứ tại vùng Nha Chá chống thực dân Pháp. Lực lượng nghĩa quân của ông Lành gây tổn thất nặng nề cho quân đội viễn chinh Pháp đóng tại các xã Phước Nam, Phước Diêm. Năm 1890, thực dân Pháp tấn công vào khu căn cứ nghĩa quân bắt ông Lành và những người chỉ huy. Phong trào Cần Vương tan rả, một bộ phận nghĩa quân trở về khẩn hoang lập ấp hình thành thôn La Chữ. Các đời vua Thành Thái, Duy Tân có sắc phong lập làng La Chữ hiện còn lưu giữ tại đình làng.

Toàn cảnh đình làng La Chữ ngày nay

Hoa văn trang trí một góc mái đình làng La Chữ

Tuy phong trào Cần Vương dưới sự chỉ huy của ông Phan Lành bị thất bại nhưng hào khí nghĩa quân vẫn lan tỏa trong tâm hồn, cốt cách người dân làng La Chữ. Sau khi tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam ở Ninh Thuận được thành lập, nhiều đảng viên đến La Chữ hoạt động lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Làng La Chữ thành lập các nhóm thanh niên đọc sách báo công khai thông tin phong trào cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ xâm lược, làng La Chữ trở thành chiếc nôi của phong trào cách mạng địa phương. Nhiều cán bộ cốt cán của Đảng được nhân dân che dấu hoạt động đến ngày toàn thắng. Nhiều người con ưu tú của La Chữ lên đường nhập ngũ anh dũng hy sinh góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975. Chiến công của cán bộ, nhân dân La Chữ tô thắm trang sử vẻ vang của quân và dân xã Phước Hữu anh hùng.

Khuôn viên đình làng La Chữ hiện nay rộng khoảng năm sào rợp mát bóng cây sộp đại thụ trên hai trăm năm tuổi. Cây sộp được ví như “ngọn hải đăng trên cạn” cho những người La Chữ xa quê thương nhớ tìm về. Tương truyền ngày xưa, ông Phan Lành chọn gò đất cây sộp làm nơi an quân dưỡng tướng, luyện tập binh sĩ. Ngày 22-8-1945, dưới bóng cây sộp, cán bộ và nhân dân làng La Chữ tổ chức mít- tinh khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 22-1- 1946, quân Pháp tái chiếm Phan Rang, cơ quan Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Ninh Thuận chuyển về La Chữ chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương.

Sắc phong triều Nguyễn lập làng La Chữ lưu giữ tại đình
 
 
Cây sộp đại thụ làng La Chữ tỏa bóng xanh mát sân đình

Từ những năm đầu thế kỷ XX, nhân dân La Chữ lập đình thờ thần hoàng và những người có công khẩn hoang lập ấp. Tháng 4-1948, thực dân Pháp càn quét La Chữ đốt phá đình làng. Nhân dân dựng lại đình nhưng qua nhiều năm mưa nắng bị hư hỏng. Đến tháng 9- 2011, người dân La Chữ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đóng góp xây dựng ngôi đình mới khang trang trên nền đất cũ. Mái đình và cây sộp là biểu tượng tình cảm thiêng, truyền thống cách mạng hào hùng của người dân làng La Chữ xưa và nay.