Giữ nghề chiếu An Thạnh

(NTO) Làng An Thạnh là địa phương duy nhất của tỉnh Ninh Thuận có nghề làm chiếu truyền thống “mẹ truyền con nối”. Sau hai trăm năm xóm làng thức khuya dậy sớm dệt lát, nghề làm chiếu đang rơi vào tình trạng mai một. Làng An Thạnh chỉ còn hơn mười gia đình tha thiết giữ nghề dệt nên những tấm chiếu bền đẹp. Nếu không có giải pháp giữ nghề thì thương hiệu chiếu An Thạnh chỉ còn một thời vang bóng.

Nằm bên bờ con sông Dinh thơ mộng, An Thạnh thuộc xã An Hải (huyện Ninh Phước) có bề dày hơn ba năm khẩn hoang lập ấp. Lưu dân từ các tỉnh Quảng Nam, Bình Định mang theo nghề nghiệp truyền thống đến vùng đất mới sinh cơ lập nghiệp. Nghề dệt chiếu thủ công một thời đem lại nguồn lợi đáng kể cho nhiều gia đình xây được nhà ngói, nuôi con ăn học thành đạt. Chiếu lát xuất xứ từ An Thạnh được người dân địa phương gánh bán khắp các vùng miền trong và ngoài tỉnh. Chiếu là vật dụng không thể thiếu trong các gia đình dân cư Ninh Thuận. Chiếu trải trong các kỳ hội họp, cúng kỵ đình làng. Chiếu trải trong các buổi đón khách, giỗ chạp gia đình. Chiếu trải giường nằm cho các đôi vợ chồng trẻ bước vào cuộc sống hôn nhân…

Bà Huỳnh Thị Lùn phơi lát chuẩn bị dệt những chiếc chiếu mới.

Khi đời sống xã hội phát triển hiện đại thì nệm cao su đã dần thay thế cho chiếc chiếu truyền thống. Trong vài năm gần đây, chiếu trúc, chiếc tre xuất xứ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam và chiếu dệt máy từ các tỉnh phía Bắc đưa vào Ninh Thuận “lấn át” chiếu dệt thủ công của làng nghề An Thạnh. Từ địa phương có nghề làm chiếu phồn thịnh bậc nhất khu vực Nam Trung Bộ đến nay số gia đình còn tha thiết giữ nghề làm chiếu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chúng tôi thật ấn tượng khi được trò chuyện với cụ bà Huỳnh Thị Phước tròn một đời người lam lũ với nghề dệt chiếu. Bà Phước chín chục tuổi nhưng trí nhớ vẫn còn minh mẫn, bà kể:”Hồi mười lăm tuổi, qua học nghề làm chiếu do mẹ truyền dạy. Hơn bảy chục năm gắn bó với cây lát, qua dành dụm vốn liếng cất nhà ngói và nuôi con ăn học làm thầy giáo. Do tuổi cao sức yếu nên qua mới nghỉ nghề dệt chiếu hai năm. Bây giờ, qua giao khung dệt lại cho người em gái con ông chú ruột giữ lấy nghề truyền thống của cha ông”.

Bà Nguyễn Thị Chín và Nguyễn Thị Thấp giữ nghề dệt chiếu truyền thống.

Trước sân nhà bà Phước, những sợi lát nhuộm màu đỏ thắm nằm phơi nắng chuẩn bị cho một ngày dệt mới. Bà Huỳnh Thị Lùn 73 tuổi, kế thừa nghề dệt chiếu của bà Phước, tất bật gom lát cột thành những cuộn tròn thẳng tắp. ”Nghề chiếu dệt thủ công bây giờ làm ăn khó khăn lắm. Sợi lát, dây trân, phẩm màu ngày một tăng giá nhưng chiếu làm ra vẫn bán giá cũ nên người thợ dệt thu nhập rất thấp. Một đôi chiếu khổ thước tư, tui bán tại nhà hai trăm ngàn đồng trừ hết chi phí chỉ còn lời bốn chục ngàn. Hai lao động dệt ròng rả một ngày được hai đôi chiếu, đóng công mỗi người được bốn chục ngàn đồng. Các cháu thanh niên bây giờ không làm chiếu do thu nhập thấp nên nghề dệt chiếu An Thạnh đang mai một dần”, ngừng tay gom lát, bà Lùn chia sẻ.

Trước đây, An Thạnh có đồng lát rộng trên hai chục mẫu tây cung cấp nguyên liệu cho cả làng dệt chiếu. Ruộng lát bây giờ được nông dân chuyển dịch trồng lúa, trồng nho đạt hiệu quả kinh tế cao nên những người thợ dệt chiếu An Thạnh ra Nha Trang mua lát nguyên liệu với giá 20 ngàn đồng/kg. Muốn dệt được chiếc chiếu có sắc màu tươi đẹp, người thợ phải biết nhuộm lát “đúng lửa” để sợi không bị giòn, không phai màu. Khi bắt tay vào dệt phải có hai người tham gia các công đoạn: Giăng trân (sợi dây gai nằm dọc thân chiếu), dệt lát, bẻ góc, cắt biên. Một lao động chịu khó học nghề khoảng 2-3 tháng có thể nắm bắt được các công đoạn dệt chiếu. Sản phẩm làm ra được các thương lái thu mua chở đi bán lẻ ở các chợ quê trên địa bàn tỉnh.

Niềm vui của bà Nguyễn Thị Chín với chiếc chiếu mới hoàn thành đưa ra hong nắng.

Chị Huỳnh Thị Lệ phụ trách tổ vay vốn Ngân hàng Chính sách- Xã hội ở An Thạnh cho biết toàn làng chỉ còn vỏn vẹn 13 gia đình gắn bó với nghề dệt chiếu. Chi hội Phụ nữ hoàn thành thủ tục cho chị em hội viên làm nghề dệt chiếu được vay 10- 20 triệu đồng đầu tư mở rộng nghề làm chiếu. Chị em mong muốn các nhà doanh nghiệp đến An Thạnh đầu tư chuyển đổi nghề dệt chiếu truyền thống sang dệt các mặt hàng mỹ nghệ từ nguyên liệu lát. Đổi mới sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thị trường giúp nghề dệt chiếu truyền thống làng An Thạnh phát triển bền vững.