Nghệ nhân dân gian Chăm

Phú Bình Đồn là nghệ nhân dân gian duy nhất ở huyện Thuận Nam chế tác, biểu diễn thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm.

(NTO) Chúng tôi về thôn Vụ Bổn, thuộc xã Phước Ninh tìm gặp nghệ nhân Phú Bình Đồn. Ông đang tỉ mẩn chỉnh âm trống ghi năng chuẩn bị biểu diễn mừng lễ hội Ka tê 2011. Phú Bình Đồn là nghệ nhân dân gian duy nhất ở huyện Thuận Nam chế tác, biểu diễn thành thạo các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Chăm.

Nghệ nhân Phú Bình Đồn có gần nửa thế kỷ gắn bó với ”lời ăn tiếng nói” nhạc cụ Chăm. Từ năm 16 tuổi, ông phụ giúp người cha ruột là nghệ nhân Phú Lộc làm trống ghi năng, baranưng, kèn saranai. Ngày đi chăn trâu, chàng trai Phú Bình Đồn đem kèn saranai tập thổi vang vọng trên cánh đồng Vụ Bổn. Tối về nhà, anh học vỗ trống ghi năng. Sau gần mười năm lao tâm khổ tứ học nghề, Phú Bình Đồn trở thành nhạc công của xóm làng. Ngoài các bài bản do cha truyền dạy, ông còn học các ngón diễn “hút hồn” của nghệ nhân Trượng Tốn ở Hữu Đức và Từ Văn Thành ở Phước Đồng. Phú Bình Đồn chế tác và biểu diễn thành thục các loại nhạc cụ: Trống baranưng, trống ghi năng, kèn saranai, đàn ca nhi.

Nghệ nhân Phú Bình Đồn (trái) hướng dẫn thầy vỗ Kiều Thanh Nhẫn chỉnh âm trống ghi năng.

Trống baranưng có đường kính 45-50 cm, cao 20 cm, hai đầu bịt da dê đực. Để làm được loại trống này, nghệ nhân Phú Bình Đồn phải mất 5-7 ngày công. Khi giao trống cho khách đặt hàng, ông chỉ lấy 1,2 triệu đồng. Bộ trống ghi năng có chiều cao 85cm, đường kính 35 cm, hai đầu bịt da trâu tơ, làm gần một tháng mới hoàn thành, trị giá 6,5 triệu đồng. Trừ hết chi phí mua vật tư làm trống ghi năng, ông chỉ hưởng tiền công 1,5- 2 triệu đồng. Làm kèn saranai cũng phải mất 6 ngày công và nhờ thợ bạc tiện phần thân kèn nhưng giá bán cũng chỉ được 1,2 triệu đồng. Ngoài ba nhạc cụ “cha truyền con nối”, ông còn nghiên cứu chế tác thành công đàn ca nhi (nhị mai rùa). Làng xa xóm gần, ai cần làm mới hoặc chỉnh sửa các loại nhạc cụ Chăm đều tìm đến nghệ nhân Phú Bình Đồn.

Ngoài thời gian làm nhạc cụ, làm 1 ha ruộng nuôi 12 người con, ông dốc lòng dạy nhạc cho con em các làng Chăm ở hai huyện Thuận Nam và Ninh Phước. Âm nhạc dân gian Chăm chưa có sách vở ghi lại bài bản nên người thầy truyền dạy cho học trò thực hành theo 72 nhịp trống lưu truyền trong đời sống nhạc lễ địa phương. Ông không thu học phí mà còn cho cơm ăn đối với những người ở xa đến nhà thầy trọ học. Trong đó có người trở thành thầy vỗ và nhạc công của các đoàn nghệ thuật như Thiên Ngọc Hoàng, Thiên Sanh Vũ, Kiều Thanh Nhẫn. Riêng đàn con trai tròn một “tiểu đội” được nghệ nhân Phú Bình Đồn “huấn luyện” trở thành nhạc công phục vụ lễ hội Ka tê, đám cúng chà và, tham gia hoạt động văn nghệ địa phương. Dàn nhạc lễ của gia đình ông gồm: Phú Quang Chiến, Phú Quang Dũng đánh trống ghi năng; Phú Quang Ngân thổi kèn saranai; Phú Quang Phẩm kéo đàn ca nhi và đánh trống baranưng; Phú Quang Tài đánh chiêng; Phú Quang Trưởng thủ bộ lục lạc.

“Vì lòng đam mê nhạc cụ dân tộc mà mình theo nghề, sống chết với nghề chớ đâu có làm giàu được từ nhạc lễ thờ cúng ông bà. Vụ lúa hè thu năm nay được mùa được giá nên bà con đón mừng Ka tê sung túc lắm. Còn sức là tôi còn chế tác và truyền nghề biểu diễn nhạc cụ dân tộc cho con cháu gìn giữ văn hóa truyền thống quý báu của cha ông”, nghệ nhân Phú Bình Đồn tâm sự.