Nghệ nhân Chapi

Tôi mong ước được đưa tiếng đàn Chapi của đồng bào Raglai Ninh Thuận đến với các dân tộc anh em trong cả nước.

(NTO) Ông Chamaléa Âu là nghệ nhân duy nhất ở xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn biết chế tác và biểu diễn  nhạc cụ Chapi một cách tài hoa. Khúc tre gai già vàng óng của núi rừng được ông thổi hồn, tạo thành âm thanh quyến rủ làm xao động lòng người. Có lẽ Chapi là nhạc cụ đơn giản nhất nhưng có sức lan tỏa mãnh liệt trong đời sống tinh thần của đồng bào Raglai Ninh Thuận.

Cây đàn Chapi do nghệ nhân Chamaleá Âu chế tác.

Thấy có khách từ miền xuôi lên thăm, ông Chamaléa Âu tự tay pha trà nóng đưa ra mời. Tấm lòng người Raglai rộng mở, ông thân mật tiếp chuyện với chúng tôi trong căn nhà xây dựng khang trang ở đầu thôn Do. Chamaléa Âu đã qua gần sáu mươi mùa rẫy, nhưng bước đi dáng dứng lanh lợi như con nai, con sóc giữa rừng già Ma Nới. Bàn tay của ông sần sùi chắc nịch như cây lim, cây mấu. Có lẽ cuộc sống nương rẫy trên núi cao, với tâm hồn phóng khoáng cùng gió núi, hương rừng đã tạo cho ông có sức vóc khỏe mạnh. Tôi rất mê phong cách biểu diễn đàn Chapi rất hồn nhiên của ông. Khuôn mặt sạm nắng, râu  tua tủa, nụ cười hồn hậu gởi lòng theo tiếng đàn bập bùng hòa quyện cùng tiếng nước sông Do.

Thời trai trẻ, Chamaléa Âu đã từng là Bộ đội Cụ Hồ đánh giặc bảo vệ bản làng trên vùng chiến khu Anh Dũng. Khi đất nước thanh bình, ông phục viên trở về với núi rừng Ma Nới làm rẫy nuôi con. Sống giữa vùng nương rẫy mênh mông, nhìn thấy cây bắp trổ cờ, cây lúa đơm bông, lòng ông da diết nhớ tiếng đàn Chapi. Hồi nhỏ, ông được người cậu ruột là Chamaléa Lư hướng dẫn làm đàn và đánh đàn Chapi. Tiếng đàn Chapi đã từng theo ông suốt thời gian dài trong kháng chiến, cho đến ngày giải phóng rồi trở về làng quyết tâm khôi phục nhạc cụ Chapi. Ông lặng lẽ tìm cây tre gai già cao vút giữa đại ngàn đưa về phơi thật khô rồi tỉ mỉ chế tác đàn Chapi. Chỉ vào cây đàn Chapi bén hơi tay “lên nước” vàng óng, ông cho biết kỹ thuật làm đàn tuy không khó nhưng đòi hỏi nghệ nhân phải hết lòng đam mê và chịu khó với công việc.

Người làm đàn Chapi phải lên núi cao tìm được cây tre già không tì vết, đường kính phải đạt khoảng 7-8 cm, mỗi lóng tre phải dài 40 cm. Cây tre để trong bóng râm mát khoảng hai tháng cho thiệt khô mới đưa ra làm đàn. Nghệ nhân dùng cây mác thiệt nhọn khoét vào cật tre bật lên thành 8 dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2 cm. Đặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây nâng cao hơn thân đàn. Vót mảnh tre cật rộng bằng đầu ngón tay cái khoét rảnh nối từng cặp dây lại với nhau. Ở hai đầu thân đàn dùng dây mấu bện chặt có nhiệm vụ giữ căng dây đàn. Dùng dùi lửa khoét thủng hai mắc tre tạo âm vang cho thân đàn. Sau khi cây đàn nên hình nên dáng thì nghệ nhân phải biết cân chỉnh cho tiếng đàn Chapi có hồn . Khi đánh lên thì "lời ăn tiếng nói" của nó mới đi qua tai rồi ở lại mãi với lòng người.

Nghệ nhân Chamaléa Âu biểu diễn đàn Chapi.

Nghệ nhân Chamaléa Âu biểu diễn thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai: Chapi, mã la, khèn bầu, tù và. Nhưng tiếng đàn Chapi độc đáo của ông đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người thưởng ngoạn. Bàn tay sần sùi của ông lướt khoan thai trên bốn phím đàn, người nghe tưởng chừng có tiếng tự tình của đôi lứa yêu nhau; tiếng thác đổ mưa nguồn; tiếng các loài chim reo vang giữa núi đồi; lời mời chào thân mật của bản làng trong những mùa lễ ăn đầu lúa…Nghệ nhân Chamléa Âu đã từng “xuống núi” mang theo đàn Chapi ra tận Thủ đô Hà Nội biểu diễn chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất, tháng 5-2010. Trong dịp mừng xuân Tân Mão- 2011, ông được Bảo tàng Dân tộc Việt Nam mời ra Hà Nội tham gia hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân gian. Tiếng đàn Chapi của đồng bào Raglai Ninh Thuận được công chúng Thủ đô nhiệt liệt đón nhận. Nghệ nhân Chamaléa Âu nhận được giấy khen tưởng thưởng của Giám đốc Bảo tàng Dân tộc Việt Nam.

 “Tôi rất biết ơn Nhạc sĩ Trần Tiến. Bài hát "Giấc mơ Chapi" của ổng đã nói đúng bụng, đúng dạ đồng bào Raglai Ninh Thuận. Tôi cố gắng chế tác, biểu diễn và truyền nghề làm đàn Chapi cho con cháu bản làng. Cây đàn Chapi rất gọn nhẹ nếu du khách đến thăm Ninh Thuận có nhu cầu làm quà lưu niệm, tôi cũng sẵn sàng phục vụ. Tôi mong được đưa tiếng đàn Chapi của đồng bào Raglai Ninh Thuận đến với các dân tộc anh em trong cả nước”, nghệ nhân Chamaléa Âu bày tỏ ước mong.