“Tiếng đá” Nguyễn Văn Như

Chúng tôi ngạc nhiên và cảm phục khi nhìn thấy anh Nguyễn Văn Như đánh đàn đá với phong cách thuần thục, âm vang ngọt ngào. Chừng như anh gởi hồn mình vào tiếng đá reo vang giữa núi rừng Phước Bình xanh thẳm ngàn cây. Ít ai ngờ người nghệ sĩ dân gian biểu diễn tài hoa này là nông dân thứ thiệt sớm hôm cần mẫn làm rẫy nuôi con. Vì đam mê tiếng đá độc đáo của núi rừng Bác Ái để rồi lao tâm khổ tứ chế tác ra bộ đàn đá mới mang “thương hiệu” Nguyễn Văn Như.

(NTO) Để có được bộ đàn đá mới gồm 13 thanh nặng khoảng 60 kg, anh Như đã phải mất mười năm lặn lội khắp núi rừng Bác Ái tìm kiếm, tuyển chọn từ hàng chục ngàn thanh đá. Lật gỡ rồi gõ thử khoảng 1000 thanh đá núi, anh mới tìm được một thanh đá có “tiếng nói” trong trẻo, thang âm gần gũi với các “nốt” của nhạc lý. Lần hồi sưu tập rồi kiên trì chế tác từng phiến đá, đến đầu tháng 6 năm nay, anh Như hoàn thiện bộ đàn đá 13 thanh có thể gõ lên cho bà con bản làng Bạc Ray 2 nghe chơi sau mùa nương rẫy. Mỗi thanh đá được anh cẩn thận đánh dấu đồ, rê, mi, fa, sol, la, si… Thanh đá lớn nhất dài 52 cm, rộng 22 cm, dày 3cm, nặng khoảng 7 kg được anh ký âm đồ. Thanh đá nhỏ nhất dài 28 cm, rộng 6 cm, dày 3cm, nặng khoảng 2 kg được anh ký âm sól. Mỗi thanh đá thô sơ được nhặt nhạnh ở một triền núi khác nhau nhưng qua chế tác chúng liên kết tạo thành những âm giai làm thổn thức lòng người.

Nguyễn Văn Như chế tác và biểu diễn đàn đá mới.

Trò chuyện với Nguyễn Văn Như 52 tuổi, chúng tôi được biết quê gốc của anh ở tỉnh Bình Định theo cha mẹ vô định cư tại thị trấn Tân Sơn từ năm 1972. Sau khi lập gia đình, anh đưa vợ con lên thôn Bạc Ray 2 thuộc xã Phước Bình khai hoang lập nghiệp. Chung sống ân tình với bà con Raglai, âm vang tiếng đàn đá của núi rừng Bác Ái “nhập” vào hồn anh. Nguyễn Văn Như rất mê đánh đàn đá nhưng những bộ đàn đá cổ đều được cất giữ cẩn thận ở nhà bảo tàng văn hóa. Anh quyết tâm chế tác bộ đàn đá mới biểu diễn cho bà con bản làng nghe chơi. Từ năm 2001, tranh thủ những lúc nông nhàn, Nguyễn Văn Như đi lang thang khắp núi rừng tìm đá “biết nói”. Anh chở đá về nhà cũ ở thị trấn Tân Sơn chất đầy sân. Khi thấy vốn liếng đá sưu tập đủ làm đàn, anh bắt tay vào mài dũa công phu, hai bàn tay bị dăm đá chém đến sần sùi. Sẵn có chút đỉnh vốn liếng nhạc lý hồi học phổ thông, anh sử dụng đàn ghi ta làm nhạc cụ định âm cho bộ đàn đá mới. Đồng thời mời Nguyễn Văn Sinh công tác tại Trung tâm Văn hóa huyện Bác Ái tận tình giúp anh thẩm âm cho từng thanh đá.

Sau hơn mười năm đam mê tiếng đá, Nguyễn Văn Như biểu diễn thuần thục các bài hát: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Tiếng đàn Ta lư, Cô gái vót chông, Nối vòng tay lớn... Ước mong của Nguyễn Văn Như là tiếp tục chế tác và biểu diễn đàn đá có dịp đưa về thành phố Phan Rang- Tháp Chàm tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng giới thiệu tiếng đàn đá mới của núi rừng Bác Ái đến với cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh.