Có một người biết “nguồn cội” về tác giả Hạnh Thục Ca là ông Nguyễn Nhược Hồng ở làng An Thạnh. Ông Hồng là hậu duệ đời thứ tư của bà Nguyễn Nhược Thị.
(NTO) Lần theo dấu vết thời gian, chúng tôi tìm đến đình làng Tây Giang (thuộc phường Đông Hải, Phan Rang- Tháp Chàm). Ký ức của những người cao tuổi ở làng này còn nhớ có một người phụ nữ tài hoa được tiến cử vào cung dạy chữ cho con vua. Bà là Thượng nghi viên sư Nguyễn Nhược Thị con gái út của Tú tài Nguyễn Nhược Sơn. Hiện nay, tại đình làng Tây Giang còn thờ tự vọng tưởng anh linh của bà. Có một người biết “nguồn cội” tác giả Hạnh Thục Ca là ông Nguyễn Nhược Hồng ở làng An Thạnh thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước. Ông Hồng là hậu duệ đời thứ tư của bà Nguyễn Nhược Thị.
Ông Nguyễn Nhược Hồng cháu cố họ của bà Nguyễn Nhược Thị- tác giả Hạnh Thục Ca.
Tìm đến với người thân thích của tác giả Hạnh Thục Ca, chúng tôi được ông Hồng ân cần tiếp đón trong ngôi nhà cổ có hơn trăm năm tuổi ở làng An Thạnh. Với phong thái nho nhã của người thầy giáo hồi hưu, ông Hồng kể:-Dòng họ Nguyễn Nhược chúng tôi gốc gác ở làng Tây Giang. Theo gia phả, ông cố tôi là anh ruột của bà Nguyễn Nhược Thị. Bà tôi sinh năm 1830 (đời vua Minh Mạng thứ 11) tên tộc là Nguyễn Thị Bích. Thuở nhỏ, bà nổi tiếng thông minh học rộng, giỏi văn chương. Năm 19 tuổi, bà được quan Phụ chánh Lâm Duy Nghĩa tiến cử với vua Tự Đức. Qua gặp gỡ giao tiếp, nhà vua thấy bà có tài nên cho tuyển vào cung sung chức Thượng nghi viên sư. Lúc hoàng tử Ưng Đường (vua Đồng Khánh) và hoàng tử Ưng Đăng (vua Kiến Phúc) còn nhỏ đều được viên sư Nguyễn Nhược Thị dạy dỗ.
Sau đó, bà được cử theo hầu Thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức). Đến đời vua Hàm Nghi, sau biến cố đánh úp trại lính Pháp tại kinh thành Huế bị thất bại (4-7- 1885), bà theo hầu Thái hậu Từ Dũ ra Quảng Trị. Lúc đó, vua Hàm Nghi theo Tôn Thất Thuyết lên Tân Sở ban hịch Cần vương kêu gọi nhân dân đứng lên đánh Pháp. Thái hậu Từ Dũ tuổi cao sức yếu không lên được chiến khu Tân Sở, bà Nguyễn Nhược Thị lại hầu Thái hậu trở về kinh thành Huế.
Sống những ngày cuối đời trong cung cấm giữa cảnh nước mất nhà tan, bà đã viết tác phẩm Hạnh Thục Ca ghi lại những sự kiện xảy ra trong kinh thành và đêm kinh hoàng của biến cố đánh úp đồn Pháp dưới triều vua Hàm Nghi. Tác phẩm Hạnh Thục Ca dài 1020 câu được viết bằng thể thơ lục bát là một sử liệu quý giá phản ánh trung thực chính trường triều Nguyễn mà bà được chứng kiến. Nói về việc hầu Thái hậu Từ Dũ ra Quảng Trị, tác phẩm Hạnh Thục Ca có đoạn:” Tới nơi cửa Hữu xem qua/ Hai bên lê thứ trẻ già quá đông/ Chen nhau dìu dắt tay bồng/ Chực theo Từ giá thoát vòng nguy nan.”
Bà Nguyễn Nhược Thị mất tháng 11 năm 1909, thọ 80 tuổi. Bà được triều đình an táng chu đáo tại làng Dương Xuân Thượng, thành phố Huế. Bà đã nêu tấm gương sáng của người phụ nữ Việt Nam hiếu học vượt lên những ràng buột lễ giáo của thời đại phong kiến để trở thành thầy dạy chữ cho con vua cháu chúa. Ngày nay, những người thân thích của bà đã noi gương tiền nhân tiếp tục trở thành những nhà giáo hết lòng chăm lo cho sự nghiệp trồng người trên quê hương Ninh Thuận.
Sơn Ngọc