Kết quả hoạt động sử dụng Quỹ WDF của phụ nữ xã Lương Sơn

(NTO) Song song với một số nguồn quỹ hỗ trợ trong các tiểu hợp phần của chương trình Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), đến nay, Quỹ Phát triển kinh tế phụ nữ (WDF) đã hỗ trợ phụ nữ nhiều địa phương có thêm cơ hội để phát triển kinh tế gia đình. Tại vùng dự án xã Lương Sơn (Ninh Sơn), kết quả hoạt động của Quỹ WDF đến nay được ghi nhận khá hiệu quả.

Quỹ WDF chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng và cung cấp dịch vụ tài chính nông thôn với sản phẩm vốn vay nhỏ và tiết kiệm, giúp phụ nữ nghèo, cận nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ có thu nhập thấp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Chị Võ Thị Kim Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lương Sơn, cho biết: Tính đến nay, nguồn quỹ đã hỗ trợ vốn vay cho 9 tổ tại 5/6 thôn, với 142 thành viên. Tổng nguồn vay trên 1,4 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ được vay 10 triệu đồng, theo phương thức trả tiết kiệm theo tổ trong thời gian từ 24-36 tháng. Sau khi tiếp nhận nguồn quỹ, Hội Phụ nữ xã có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các tổ viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả nguồn vốn.

 
Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn Quỹ WDF, nhiều phụ nữ xã Lương Sơn
có thêm điều kiện cải thiện kinh tế gia đình.

Theo chị Võ Thị Kim Thúy, thực tế ở thời điểm năm 2014, khi Quỹ WDF giải ngân cho 20 hộ đầu tiên của xã, với mức vay 10 triệu đồng/hộ, việc sử dụng nguồn vốn gặp khá nhiều khó khăn khi định hướng sử dụng vốn vay là phải mua bò chăn nuôi. Tuy nhiên, thời điểm đó giá bò sinh sản khá đắt nên một số hộ rất lúng túng, để đủ tiền mua bò chăn nuôi nhiều hộ phải chủ động lồng ghép thêm nguồn vốn vay khác cũng như vốn tự chủ của gia đình. Dù vậy, đến nay, số hộ được giải ngân trong những ngày đầu vẫn cơ bản đảm bảo việc trả nợ theo đúng kỳ hạn, không có tình trạng nợ xấu. Mặc dù hiệu quả của nhóm vay đầu chưa thật sự khả quan, nhưng hiện nay ít nhất mỗi hộ vay cũng có 2-3 con bò cho riêng gia đình.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, rút kinh nghiệm trong việc sử dụng nguồn vốn vay đầu tiên, những tổ nhóm được vay vốn sau đã linh hoạt sử dụng trong việc thực hiện các mô hình trong trồng trọt, chăn nuôi và buôn bán nhỏ lẻ khá hiệu quả. Điển hình có thể kể đến tổ vay vốn thôn Trà Giang 3, với 20 thành viên, được hỗ trợ vay vốn từ cuối năm 2015. Đến nay, nhiều chị em trong tổ đã cơ bản giải quyết được những khó khăn ban đầu của gia đình và đang từng bước mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu như một số thành viên: chị Bùi Thị Diệp (sử dụng nguồn vốn phát triển trồng trọt); chị Trương Thị Liếng, chị Lê Thị Diệu (buôn bán, đã có một cửa hàng tạp hóa nhỏ); chị Nguyễn Thị Thu Huệ (vừa kết hợp chăn nuôi nhỏ và bán tạp hóa)… Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Thu Huệ cho biết: Đối với những hộ kinh doanh nhỏ lẻ thì số tiền 10 triệu đồng là rất cần thiết, tuy số tiền vay được không nhiều nhưng đã giải quyết được khó khăn về đầu tư giống, thức ăn, mua thêm những mặt hàng nhỏ để kinh doanh.

Nhờ triển khai áp dụng phương thức hiệu quả trong quay vòng vốn, qua hơn 2 năm đi vào hoạt động, Quỹ WDF trên địa bàn xã Lương Sơn đã huy động gửi tiết kiệm và trả nợ kỳ hạn từ thành viên các nhóm trên 580 triệu đồng và đến nay chưa có trường hợp nào nợ quá hạn, đây là điều rất đáng mừng.

Hội Phụ nữ xã Lương Sơn cũng mong muốn tiếp tục được Dự án HTTN tăng cường nguồn vốn để phát triển thêm các tổ tiết kiệm-tín dụng, mở rộng tổ viên và duy trì hoạt động hiệu quả các tổ đã có, đặc biệt là tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho phụ nữ 2 thôn đặc biệt khó khăn Trà Giang 2 và Trà Giang 4.