Mô hình nuôi bò sinh sản, hướng thoát nghèo cho người dân thôn Suối Rớ

(NTO) Thôn Suối Rớ (xã Phước Chính, Bác Ái) có 155 hộ, 564 nhân khẩu, với diện tích sản xuất nông nghiệp 130ha. Ngoài tập trung trồng trọt, người dân địa phương còn đầu tư vào chăn nuôi với tổng đàn gần 1.500 con.

 
Anh Chamaléa Hiến chăm sóc bò do Dự án hỗ trợ.

Với lợi thế đồng cỏ tự nhiên dồi dào, người dân có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi bò, nên khi triển khai Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), tháng 4-2014, Ban Phát triển xã Phước Chính đã khảo sát và thành lập nhóm sở thích chăn nuôi bò ở thôn Suối Rớ với 11 thành viên, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Để nhóm đi vào hoạt động hiệu quả, Dự án HTTN đã trực tiếp hỗ trợ 9 con bò cái, 1 con bò đực để phối giống, với tổng kinh phí 207 triệu đồng. Trong đó, nguồn Quỹ Phát triển cộng đồng (CDF) hỗ trợ 171 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của các thành viên tham gia. Bên cạnh đó, dự án còn hỗ trợ xây dựng 9 chuồng bò, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…

Anh Chamaléa Hiến, Trưởng nhóm nuôi bò sinh sản thôn Suối Rớ, cho biết: Khi nhận bò về nuôi, mặc dù đang trong mùa khô hạn, khó khăn trong việc tìm kiếm thức ăn và nước uống nhưng nhóm vẫn duy trì đàn bò phát triển tốt bằng cách luân phiên nhau chăm sóc, một số thành viên thì tận dụng diện tích đất trống trồng cỏ, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn bò. Nhờ vậy, qua hơn 2 năm chăn nuôi, đàn bò đã sinh sản được 7 con bê và có một số con đang cấn chửa lứa thứ hai, nên các hộ thành viên rất phấn khởi. Chị Pi-lao Ước, thành viên trong nhóm, chia sẻ: Mình được dự án hỗ trợ 1 con bò, khi nhận về bò đã cấn chửa được hơn 5 tháng, nay bò đã sinh được bê gần 6 tháng tuổi. Đây là nguồn vốn ban đầu để gia đình có cơ hội thoát nghèo sau này…

Để mô hình chăn nuôi bò sinh sản phát triển bền vững, nhóm cũng đã thành lập Quỹ Tiết kiệm nuôi bò, mỗi hộ đóng góp 20.000 đồng/tháng, giúp các thành viên có thêm điều kiện duy trì và phát triển tốt đàn bò. Đồng chí Quảng Minh Huấn, Chủ tịch UBND xã Phước Chính, cho biết: Có thể nói, từ sự hỗ trợ của Dự án HTTN trong việc phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bò sinh sản ở thôn Suối Rớ không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, mà còn góp phần thay đổi nhận thức, tập quán nuôi chăn thả của bà con. Đây là tín hiệu vui nhằm giúp các hộ nghèo, cận nghèo được liên kết, hợp tác với nhau trong phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình, góp phần tạo thu nhập ổn định cho các hộ khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững.