THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 7 (KHÓA X):

Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc

(NTO) Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Tỉnh ủy cụ thể hóa thành chương trình hành động (ngày 7-11-2008). Qua 5 năm triển khai thực hiện NQ, theo đánh giá chung, tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh ta có nhiều chuyển biến tiến bộ, đặc biệt là diện mạo nông thôn ngày càng khang trang hơn, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân cư.

Tỉnh ta có 47 xã thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, theo tiêu chí nông thôn mới, các kết cấu hạ tầng cần được đầu tư gồm: giao thông, điện, trường học, trạm xá, nhà văn hóa, khu thể thao, chợ, bưu điện… Ông Lê Kim Hiếu, Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh lý giải: Để xây dựng nông thôn mới theo chuẩn quốc gia phải hoàn thiện các tiêu chí, nhưng thật ra sự đổi mới nông thôn sẽ thấy rõ ngay từ các công trình hạ tầng giao thông, thuỷ lợi nội đồng. Điều này đang diễn ra sôi động trên địa bàn tỉnh ta.

 
Một góc khu dân cư nông thôn An Xuân (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) ngày nay.

Trong 5 năm qua, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương, toàn tỉnh đã đầu tư phát triển 5 tuyến đường giao thông nông thôn bê-tông có chiều dài 67,56 km, 12 cầu có chiều dài 1.031 m đến trung tâm các xã, với tổng vốn đầu tư 351,8 tỷ đồng. Từ năm 2010 đến nay, có thêm nguồn vốn của Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp đã đầu tư nâng cấp 30 km đường giao thông, với tổng vốn đầu tư 61,7 tỷ đồng. Ngoài ra thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta tiếp tục đầu tư phát triển theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, theo đó đã xây dựng mới 82,2 km, nâng cấp 56,4 km đường giao thông nông thôn. Qua các kênh đầu tư, đến nay toàn tỉnh đã có 100% số xã có đường ô-tô đến trụ sở UBND xã và đều được thảm nhựa, bê-tông hóa. Hệ thống giao thông đến cấp thôn cũng được chú trọng, phát triển mạnh, với 98,8% số thôn có thể đi đến bằng ô-tô.

Trong phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn ở tỉnh ta, hệ thống thủy lợi đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), tính từ năm 2009 đến nay, tỉnh ta đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 10 hồ chứa nước, nâng tổng dung tích thiết kế đạt 185,96 triệu m3, tăng thêm hơn 61 triệu m3 so với năm 2008. Đồng chí Châu Thăng Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Diện tích tưới thiết kế tăng thêm trong giai đoạn này là 5.814 ha, nâng năng lực tưới toàn tỉnh đến cuối năm nay lên 33.327 ha, chiếm 49,11% diện tích đất nông nghiệp. Trong giai đoạn 2009-2013, toàn tỉnh cũng đã xây dựng và kiên cố hóa trên 200 km kênh mương, trong đó có 92,6 km kênh mương cấp 1,78 km kênh mương cấp 2 và gần 30 km kênh mương cấp 3. Tính chung tổng vốn đầu tư cho thủy lợi đạt 1.416,74 tỷ đồng, gấp 2,83 lần giai đoạn 2004-2008. Tác động đầu tư về thủy lợi đã góp phần tăng nhanh diện tích gieo trồng cây hằng năm, mở rộng các diện tích cây lâu năm. Cụ thể diện tích tăng 15.400 ha/năm, đến năm 2013 ước đạt 82.000 ha, kể cả diện tích cây ăn trái các loại cũng tăng thêm 2.052 ha so với năm 2008. Ngoài ra hệ thống thủy lợi còn cung cấp nước uống cho chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản, hạn chế việc sử dụng nước ngầm tại các vùng ven biển.

Nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa
Ảnh: Sơn Ngọc

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh phát triển giao thông nối liền các vùng nông thôn, dẫn ra nội đồng và phát triển thủy lợi tăng năng lực tưới, tỉnh ta hiện đã có 100% số xã có điện lưới, 99,96% số hộ dân nông thôn được dùng điện thắp sáng. Hình ảnh mới của nông thôn càng sinh động hơn qua sự hình thành mạng lưới các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, đến nay toàn tỉnh đã đạt tỷ lệ 84% người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng 15% so với năm 2008. Sau 5 năm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nông nghiệp và kinh tế nông thôn tỉnh nhà đã có bước phát triển toàn diện, thể hiện ở giá trị thu nhập các hộ nông dân không ngừng nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần. Cùng với kết cấu hạ tầng, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân được quan tâm, đã góp phần mạnh mẽ làm tăng năng suất các loại cây trồng, vật nuôi trong nông nghiệp.

Nếu so sánh hình ảnh đổi mới nông thôn hiện nay qua 5 năm thực hiện NQ Trung ương 7 (khóa X) với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có thể thấy nông thôn tỉnh ta đã có tiền đề vững chắc. Từ tiền đề đó, trong phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp giai đoạn 2014-2015 và đến năm 2020, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả NQ Trung ương 7 (khóa X), tỉnh ta xác định tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, phát huy các lợi thế của tỉnh, có khả năng cạnh tranh cao; thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là huy động tốt các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo động lực chính cho phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn.