DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Phát triển nuôi bò theo mô hình Heifer

(NTO) Nuôi bò theo mô hình Heifer là một hình thức nuôi mà các đối tượng tham gia cùng cộng đồng trách nhiệm, hỗ trợ nhau, có sự giám sát của xã, huyện.

Đối tượng hưởng lợi mô hình là các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, chủ hộ là phụ nữ đang gặp khó khăn thuộc các nhóm cùng sở thích nuôi bò trong vùng dự án. Theo đó, các đối tượng hưởng lợi sẽ được Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh hỗ trợ bò cái giống sinh sản để nuôi.

Phát triển chăn nuôi bò theo mô hình Heifer tại xã Bắc Sơn (Thuận Bắc).

Anh Võ Thái Tuấn, Phó Giám đốc Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh cho biết: Mô hình Heifer ngoài mục đích tạo điều kiện cho các hộ nghèo trong vùng dự án phát triển chăn nuôi, cái chính là nhằm tạo ra cộng đồng tương hỗ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau để cùng phát triển kinh tế gia đình, tiến tới thoát nghèo bền vững. Để các huyện, xã, thôn và người dân trong nhóm cùng sở thích nuôi bò hiểu rõ công việc, Chi cục Thú y với trách nhiệm của đơn vị đồng thực thi, đã tổ chức tập huấn hình thức quản lý theo mô hình Heifer. Cụ thể theo mô hình này, chỉ có các hộ sống gần nhau trong cùng một địa bàn (thôn, xóm) mới thực hiện được mô hình Heifer; việc lựa chọn hộ công khai, có chứng kiến của huyện, xã, thôn và người dân trong nhóm để chọn ra danh sách xếp theo thứ tự ưu tiên, hộ khó khăn nhất được hỗ trợ trước. Việc chuyển giao bò sẽ được Ban Hỗ trợ Kinh doanh nông nghiệp huyện (DASU) chịu trách nhiệm quản lý, điều phối. Đến nay đã có một số DASU huyện thực hiện chuyển giao con giống là Ninh Phước, Thuận Bắc, Ninh Sơn. Mỗi huyện đều được hỗ trợ 20 con bò cái cho 10 hộ dân, của 2 nhóm cùng sở thích ở 2 xã vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông huyện. Như vậy trung bình mỗi hộ nhận 2 con bò cái nuôi để phát triển chăn nuôi theo mô hình Heifer.

Thực hiện theo mô hình Heifer, sau 2-3 năm nuôi, khi 2 bò mẹ đẻ ra 2 con bê, hộ nuôi tiếp tục chăm sóc đến khi bò có trọng lượng và độ tuổi ngang bằng con bò cái được dự án giao ban đầu, lúc ấy hộ sẽ chuyển giao 2 con bò cái cho DASU để giao tiếp cho hộ nghèo liền kề theo danh sách đã chọn. Nếu bò mẹ đẻ ra bê đực, hộ nuôi có trách nhiệm bán bò đực để mua lại bò cái hoặc đề nghị nhà cung cấp giống ban đầu đổi sang bò cái để bàn giao lại cho hộ nghèo liền kề. Sau khi giao bò xong, DASU chủ trì, tổ chức ngay cuộc họp để thông báo danh sách hộ liền kề sẽ nhận bò từ hộ đã giao; đề ra cơ chế trách nhiệm cùng hỗ trợ, giám sát lẫn nhau giữa hộ đang nuôi và hộ sẽ được nhận bò nuôi tiếp theo. Sau đó DASU phải có trách nhiệm phân công cán bộ chuyên trách phối hợp với cán bộ thú y, cán bộ xã, thôn, trưởng nhóm thường xuyên theo dõi, hỗ trợ cho từng hộ có nhận bò, báo cáo hàng tháng cho lãnh đạo huyện và Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh biết, chỉ đạo.

Căn cứ quy trình quản lý thực hiện theo mô hình Heifer, các tổ nhóm sẽ xây dựng Quy chế hoạt động và kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp để đề nghị đầu tư cỏ giống, chuồng trại, v.v… theo nguồn vốn hạ tầng sản xuất thuộc Quỹ phát triển cộng đồng do xã làm chủ đầu tư; đồng thời giới thiệu các hộ nuôi bò tiếp tục tham gia tổ tiết kiệm tín dụng để Hội Liên hiệp Phụ nữ xem xét, cho vay vốn phát triển sản xuất. Theo anh Võ Thái Tuấn, khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhóm thực hiện nuôi bò theo mô hình Heifer sẽ chú ý tạo điều kiện giúp đỡ cho các đối tượng yếu thế tiếp cận thông tin thị trường, biết cách làm ăn theo tổ nhóm và tiến tới cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững. Trước triển vọng của việc nuôi bò theo mô hình Heifer, Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh đang tiếp tục triển khai cho các tổ nhóm nuôi bò còn lại trong 27 xã vùng dự án.

Từ nguồn Dự án Hỗ trợ Tam nông, vừa qua Ban Phát triển xã Phước Hòa (Bác Ái) tổ chức lớp đào tạo nghề đan lát. Trong thời gian 14 ngày, 30 học viên ở thôn Chà Banh và Tà Lọt được nghệ nhân Pi - năng Thị Thu hướng dẫn các công đoạn đan gùi, nia… Đây là lớp học nhằm bảo tồn nghề đan truyền thống của đồng bào Raglai, vừa tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động ở nông thôn.