Hiệu quả mô hình chế biến thức ăn gia súc

(NTO) Anh Thành Lênh 52 tuổi là nông dân đầu tiên ở xã Bắc Sơn thực hiện mô hình ủ thức ăn gia súc. Mô hình do Ban điều phối Dự án Tam nông phối hợp Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ thực hiện từ tháng 6- 2013. Mô hình đem lại hiệu quả nâng cao chất lượng đàn gia súc theo hướng nuôi vỗ béo.

Anh Thành Lênh chăm sóc đàn bò bằng nguồn thức ăn qua chế biến.

Gia đình anh Lênh canh tác 1,5 ruộng ba vụ lúa và 7 sào đất chuyên trồng bo bo, bắp lai. Anh chăn nuôi 18 con bò chăn thả trên đồng cỏ tự nhiên ven chân núi Chúa. Vào mùa thu hoạch hoa màu, anh sử dụng rơm, cây bắp, cây bo bo làm thức ăn bổ sung cho đàn bò. Tháng 6 vừa qua, anh được xã Bắc Sơn chọn thực hiện trình diễn mô hình chế biến và bảo quản thức ăn gia súc. Anh được Dự án Tam nông hỗ trợ máy cắt cỏ, mật đường, phân uré, bao nylon ủ thức ăn. Kỹ sư Đào Công Vụ, cán bộ Trạm Khuyến nông- Khuyến ngư huyện Thuận Bắc trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chế biến thức ăn gia súc. Anh Lênh thực hiện theo công thức 1 tạ cây bắp, cây bo bo cắt ngắn 5- 6 cm trộn với 1 kg mật đường ủ chặt trong bao nylon 21 ngày. Rơm khô chế biến theo công thức 10 kg rơm trộn đều với 400 gram phân uré hòa nước và 400 gram mật đường ủ chặt trong bao ny lon 7 ngày. Thức ăn sau khi ủ đúng quy trình có hương thơm, vị ngọt, hợp khẩu vị đàn bò.

Hơn ba tháng thực hiện mô hình chế biến thức ăn gia súc, đàn bò của gia đình anh Lênh tăng trọng bình quân mỗi tháng 18- 20 kg/con, tăng hơn 7 kg so với chăn thả tự nhiên. Anh Thành Lênh cho rằng việc chế biến thức ăn cho đàn gia súc chăn nuôi theo mô hình vỗ béo đạt hiệu quả kinh tế cao hơn chăn thả rong. Anh tiếp tục đầu tư chế biến thức ăn nâng cao chất lượng đàn gia súc, tăng thu nhập gia đình.