Ninh Phước: Thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân

(NTO) Ngày 30-8, Huyện ủy Ninh Phước tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn huyện Ninh Phước có bước phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, góp phần làm tăng giá trị nông sản. Hệ thống kênh mương thủy lợi, giao thông nội đồng không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Địa phương đã chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng khai thác lợi thế từng vùng; các mô hình sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi xuất hiện ngày càng nhiều và được nhân rộng. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng hằng năm toàn huyện đạt 21.919ha, tổng sản lượng lương thực hơn 96 nghìn tấn; giá trị sản lượng nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đạt 112,7 triệu đồng/ha; bình quân thu nhập người dân xấp xỉ 13 triệu đồng/người/năm.

Huyện ủy Ninh Phước sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và 3 năm triển khai xây dựng NTM.

Về kết quả triển khai xây dựng NTM, đến nay, huyện Ninh Phước đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết NTM cho 8/8 xã; có 2 xã đạt 6/19 tiêu chí NTM, 4 xã đạt 5/19 tiêu chí, 1 xã 3/19 tiêu chí và 1 xã đạt 2/19 tiêu chí. Thông qua huy động một cách có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đã tạo điều kiện thuận lợi làm thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện đời sống nông dân, tạo tiền đề thúc đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa- hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của địa phương.

Để tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trong thời gian tới, Huyện ủy đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tập trung khai thác lợi thế tiềm năng, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có khả năng cạnh tranh; tiếp nhận, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào phát triển sản xuất; thực hiện có kết quả liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các thương hiệu được cho các loại sản phẩm truyền thống; đẩy mạnh công tác tiếp thị thị trường, quảng bá sản phẩm; khuyến khích nhân dân đầu tư trồng rừng sản xuất theo mô hình nông lâm kết hợp; mở rộng ngành nghề truyền thống, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.