DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Phước Hà: Phát triển chuỗi giá trị sản xuất đặc thù địa phương

(NTO) Với trên 94% dân số là đồng bào dân tộc Raglai, xã Phước Hà (huyện Thuận Nam) hiện vẫn còn hơn 40% hộ nghèo và gần 8% hộ cận nghèo trên tổng số 642 hộ dân/3.160 nhân khẩu toàn xã. Trước thực tế đó, Dự án Hỗ trợ tam nông được triển khai trên địa bàn xã là điều kiện thuận lợi góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân địa phương.

Mặc dù nằm ở đầu nguồn hai hệ thống tưới hồ Tân Giang và hồ Sông Biêu, tổng diện tích lúa nước của địa phương mỗi vụ có khoảng 150 ha, ngoài ra còn có hơn 250 ha bắp và gần 300 ha đậu nhưng do tập quán canh tác lạc hậu, nên năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao.

Chăn nuôi bò được xác định là chuỗi giá trị sản xuất chính của xã Phước Hà.

Đồng chí Tà Yên Úc, Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban phát triển xã cho biết: Để xác định chuỗi giá trị cũng như lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương năm 2013 và 2014, xã đã tiến hành khảo sát nắm nhu cầu thực tế ở cả 5 thôn, tổng hợp và xác định xây dựng các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp đặc thù của địa phương, bao gồm: chăn nuôi bò, canh tác lúa và đậu xanh. Địa phương cũng dự kiến sẽ đề xuất bổ sung thêm hai chuỗi giá trị là chăn nuôi heo đen và trồng tre lấy măng trong năm 2014. Dù tổng đàn heo đen trên toàn xã chưa nhiều nhưng bà con đã nhận thức được hiệu quả mà vật nuôi “bản địa” này mang lại. Chi phí thấp, tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, dễ chăm sóc, thời gian xoay vòng vốn ngắn và hiện đang được thị trường ưa chuộng là những ưu điểm khiến heo đen được nhiều bà con đề xuất đưa vào danh sách chuỗi giá trị sản xuất đặc thù để có hướng nhân rộng, phát triển dưới hình thức liên kết nhóm như chăn nuôi bò trong thời gian tới.

Theo Ban phát triển xã, hiện đã thành lập hai nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò với 30 thành viên/nhóm, gồm các đối tượng hộ nghèo và cận nghèo ở cả 5 thôn trên địa bàn. Theo thống kê, tổng đàn bò có trên 1.900 con, chiếm gần 70% tổng đàn gia súc toàn xã, là vật nuôi chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, đa phần bà con vẫn còn thiếu chủ động trong chăm sóc, phòng và điều trị bệnh nên vừa qua, xã đã mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò cho 30 hộ nông dân. Ngoài ra, bà con cũng tích cực tham gia lớp tập huấn về canh tác lúa mở tại chỗ. Theo kế hoạch, ngành nông nghiệp địa phương sẽ mở lớp hướng dẫn nông dân trồng tre lấy măng trong tháng 9 tới.

Đối với Hợp phần 3 của Dự án, xã Phước Hà được hỗ trợ vốn thực hiện 4 công trình, với tổng mức kinh phí 1,5 tỷ đồng, cụ thể là: đường nội đồng thôn Trà Nô (500 triệu đồng), đường nội đồng thôn Giá (600 triệu đồng), Chợ phiên thôn Giá (300 triệu đồng) và Cầu thôn Rồ Ôn (100 triệu đồng). Các công trình đang được đấu thầu và sẽ thi công để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng ngay trong năm 2013, đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân.

Với Dự án Hỗ trợ Tam nông cùng nhiều chương trình, mô hình, dự án được triển khai tại địa phương, tin rằng xã miền núi Phước Hà sẽ có nhiều đổi thay tích cực, với diện mạo của một vùng nông thôn mới.