Nhị Hà: Phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp

(NTO) Nằm trong vùng Dự án Hỗ trợ Tam nông, xã Nhị Hà (huyện Thuận Nam) chọn chăn nuôi bò là chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp thế mạnh để đầu tư, phát triển. Cùng với việc thành lập các nhóm đồng sở thích, việc tăng cường hoạt động tập huấn, tuyên truyền đến nông dân các kỹ thuật sản xuất mới cũng được địa phương quan tâm thực hiện.

Xã Nhị Hà có diện tích đất tự nhiên trên 5.100 ha, trong đó, riêng đất sản xuất nông nghiệp gần 2.000 ha. Tuy nhiên, do đặc điểm điều kiện tự nhiên còn nhiều khó khăn, đặc biệt là việc chưa chủ động nước tưới nên ngoài 320 ha đất sản xuất lúa, khoảng 70 ha canh tác bắp, rau đậu các loại trên 50 ha và rải rác một số rẫy vườn khác, thì đa phần nông dân Nhị Hà tập trung phát triển chăn nuôi.

 
Chăn nuôi bò ở Nhị Hà.

Hiện tại, tổng đàn gia súc trên địa bàn xã khoảng trên 3.900 con. Trong đó, đàn bò gần 1.000 con; đàn dê, cừu trên 2.000 con; đàn heo xấp xỉ 900 con. Đồng chí Tôn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Mặc dù gia súc nuôi trên địa bàn có nhiều loại nhưng trước mắt, chúng tôi xúc tiến thành lập 2 Nhóm đồng sở thích chăn nuôi bò, với 15 thành viên/nhóm. Sở dĩ địa phương chọn chăn nuôi bò là chuỗi giá trị chính vì so với các loại gia súc khác, bò được người dân nuôi khá lâu và tích lũy nhiều kinh nghiệm, giá trị kinh tế từ loại gia súc này cũng vượt trội và ổn định. Tuy vậy, để hoạt động của các Nhóm đồng sở thích được hiệu quả và ổn định, việc xây dựng lộ trình hoạt động là cần thiết. Theo kế hoạch, Ban Phát triển xã Nhị Hà sẽ phối hợp với Ban Hỗ trợ kinh doanh nông nghiệp (DASU) huyện Thuận Nam mở lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân. Tiếp đó, hai bên cũng sẽ chuyển giao một số kỹ thuật mới trong sản xuất lúa và trồng táo thông qua các lớp tập huấn, dự kiến tổ chức trong tháng 7 này.

Trong tiến trình thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông nói riêng và phát triển nông nghiệp – nông thôn nói chung, việc thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, đặc biệt là các hộ nghèo và cận nghèo, đóng vai trò cơ sở để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, địa phương đã thí điểm nhiều mô hình kỹ thuật mới trong chăn nuôi như các mô hình chăn nuôi cừu (8 hộ với 35 con cừu), hướng dẫn chăm sóc bò đạt hiệu quả,… Qua đó, chất lượng đàn gia súc từng bước nâng lên, người chăn nuôi đã “trích” phần đất sản xuất để trồng cỏ nhằm chủ động nguồn thức ăn, bổ sung thức ăn tinh vào khẩu phần dinh dưỡng hằng ngày, thực hiện tiêm phòng bệnh cho gia súc,… Đây là điều kiện thuận lợi để việc chuyển giao khoa học – kỹ thuật trong sản xuất đến đông đảo nông dân đạt hiệu quả.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Dự án, cụ thể là thông qua hoạt động Nhóm cùng sở thích, nông dân cũng sẽ dần thấy được lợi ích của sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất. Là một trong những hộ có thâm niên chăn nuôi bò, heo tại địa phương, chị Trần Thị Hương cho biết: Mặc dù con heo đen chưa được nuôi rộng rãi tại Nhị Hà nhưng một số phụ nữ trên địa bàn khá thích thú với mô hình mới này. Chúng tôi rất muốn liên kết để thành lập Nhóm đồng sở thích chăn nuôi heo đen. Việc hợp tác thành nhóm để chăn nuôi sẽ giảm bớt rủi ro trong đầu tư sản xuất. Với những ưu điểm: vốn đầu tư ban đầu thấp, kỹ thuật chăm sóc không quá khó, thời gian xoay vòng vốn ngắn, có thể tận dụng nguồn thức ăn tại chỗ để giảm chi phí, sản phẩm mang tính đặc thù được thị trường ưa chuộng,… mô hình nuôi heo đen nếu phát triển đúng hướng và bền vững thì nhiều khả năng sẽ là một trong những chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế không nhỏ, góp phần giảm nghèo cho địa phương.