Anh Ngô Văn Thuận Nông dân sản xuất giỏi

(NTO) Niên vụ mía 2016 - 2017, anh Ngô Văn Thuận (ảnh), ở thôn Tà Lú 3, xã Phước Đại (Bác Ái) trồng 15 ha mía, thu lãi hơn 500 triệu đồng. Nỗ lực làm giàu từ vùng đất đồi thiếu nước của anh đã chứng minh một điều: Nếu nông dân tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với ứng phó biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII, thì có thể biến bất lợi thành có lợi.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tin vui nông dân Ngô Văn Thuận trúng đậm vụ mía lan xa, thúc giục chúng tôi ngược lên huyện vùng cao Bác Ái tìm hiểu. Dù đang tất bật thu hoạch mía, nhưng khi gặp khách anh Thuận ngưng tay hàn huyên chuyện nương rẫy. Thì ra, ở nơi vùng núi xa xôi vẫn có những nông dân vượt qua “rào cản” về tập quán sản xuất lạc hậu, tạo đột phá trong đổi mới cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn đầu tư sản xuất mía quy mô lớn.

Cũng trên chính đồng đất ấy, trước đây anh Thuận trồng đậu, trồng bắp, sản xuất bấp bênh do phụ thuộc vào nước trời, thu nhập từ làm nông cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Những năm gần đây, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong hướng dẫn ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp, hoạt động trồng mía của anh Thuận hiệu quả hơn trước nhiều, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.

Anh Thuận, chia sẻ: Trong xu thế nông nghiệp hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nông dân phải thay đổi tư duy, liên kết chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Vụ mía năm nay, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa - Phan Rang ưu tiên đầu tư vốn, thu mua sản phẩm của những hộ sản xuất quy mô lớn. Nhờ có sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong cung cấp giống mới, hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, mía của tôi năng suất đạt 80 tấn/ha, cao hơn vụ trước 20 tấn.

Kinh nghiệm của anh Thuận trong trồng mía có hiệu quả là tiến hành tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, quy mô lớn; trong đó, đề cao vai trò của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chuyển giao khoa học-công nghệ. Để có quỹ đất lớn trồng mía như hiện nay, anh Thuận đã vận động một số hộ cho thuê đất có thời hạn; đồng thời, cam kết ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ. Hình thức liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp anh Thuận áp dụng trong trồng mía đảm bảo sản xuất có lãi, vừa đưa đến lợi ích hài hòa cho các thành phần tham gia chuỗi giá trị.

Một ngày cùng nông dân ra đồng thu hoạch mía, chúng tôi nhận thấy bà con Bác Ái đang đứng trước cơ hội làm giàu, nếu biết khai thác tiềm năng, lợi thế vùng núi để phát triển sản xuất hàng hóa với các loại cây trồng thế mạnh.