Thế giới trong tuần

1. Liên hợp quốc kêu gọi thay đổi phương thức giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine. Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 25-1, phái viên của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Nickolay Mladenov nhận định Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế nói chung đều sa vào khuôn mẫu “quản lý, thay vì giải quyết” cuộc xung đột Palestine-Israel, đồng thời nhấn mạnh giờ là lúc cần chấm dứt thế bế tắc này, chứng tỏ khả năng lãnh đạo chính trị và thúc đẩy những chính sách trên thực địa để gây dựng lòng tin.  

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ông Mladenov đã nói với các thành viên Hội đồng Bảo an rằng “25 năm kể từ khi Hiệp định Oslo được ký kết, chúng ta đang ở giai đoạn quyết định trong tiến trình hòa bình Trung Đông”. Tuy nhiên, tính bấp bênh và không ổn định của môi trường hiện nay khiến tất cả các bên đưa ra những quan điểm cứng rắn hơn và những phát biểu gay gắt hơn. Hậu quả là những phần tử cực đoan lợi dụng tình huống này để kích động một cuộc xung đột khác. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục gây dựng những điều kiện cần thiết để nối lại các cuộc đàm phán, đồng thời tái khẳng định rằng, giải pháp hai nhà nước vẫn là phương án khả thi duy nhất để đạt được sự chấm dứt một cách công bằng và bền vững cho cuộc xung đột. Giải pháp hai nhà nước có nghĩa là Israel và Palestine tồn tại như hai nhà nước riêng biệt sống bên nhau trong hòa bình, an ninh và công nhận lẫn nhau. 

2. Vừa qua, 6 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan và Brunei đã nhất trí phối hợp và hợp tác trao đổi thông tin về chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan trong khu vực. 

Lễ khởi động dự án hợp tác mang tên “Our Eye” (Đôi mắt của chúng ta) đã diễn ra tại Nusa Dua trên đảo Bali, Indonesia. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Indonesia Ryamizard Ryacudu nhấn mạnh mỗi quốc gia đều có cách riêng để đối phó với mối đe dọa, do vậy, các nước cần phải hiệp lực, phối hợp để bảo vệ thông tin chiến lược. Ông Ryacudu khẳng định sự phối hợp, hợp tác này sẽ giúp chính phủ các nước đưa ra những quyết định chống lại các mối đe dọa dựa trên những dự báo và giả thiết có độ chính xác hơn. Ngoài ra, hãng tin Antara dẫn lời ông Ryacudu cho biết, 6 nước cũng sẽ hành động nhanh chóng và chính xác nhằm giảm tối thiểu số nạn nhân. 

Khu vực Đông Nam Á đã trở thành mục tiêu mà các lực lượng phiến quân nhắm tới nhằm xây dựng thành trì, tuyển mộ thành viên mới và thực hiện các vụ tấn công liều chết. Trong những năm gần đây, hàng chục người đã bị giết hại trong hàng loạt vụ tấn công khủng bố của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại một số nước trong khu vực như Indonesia, Philippines…

3. Châu Phi thất thoát khoảng 80 tỷ USD/năm do các dòng chảy tài chính bất hợp pháp. Cao ủy Liên minh châu Phi (AU) về Thương mại và Công nghiệp, ông Albert Muchanga ngày 25-1 cho biết rằng, mỗi năm châu Phi mất khoảng 80 tỷ USD do các dòng chảy tài chính bất hợp pháp, chủ yếu liên quan đến các ngành khai khoáng, gây trở ngại lớn cho sự chuyển đổi nền kinh tế của lục địa này. 

Phát biểu bên lề lễ khai mạc kỳ họp thường niên lần thứ 32 của Hội đồng quản trị Liên minh châu Phi (AU), trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh AU lần thứ 30 tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, ông Muchanga nhận định châu Phi hàng năm mất khoảng 80 tỷ USD do dòng chảy tài chính bất hợp pháp, trong đó 70% liên quan đến các ngành công nghiệp khai khoáng, tài nguyên khoáng sản. Những thiệt hại này là do các tập đoàn đa quốc gia đã “thực hiện một loạt các phương pháp kế toán sáng tạo đặc biệt”, trong đó gồm các hóa đơn khống và sự chuyển giá. 

Ông Muchanga nói thêm rằng, các vấn đề về dòng chảy tài chính bất hợp pháp này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia châu Phi. Chính vì thế, chính phủ các nước châu Phi đã thành lập một Ủy ban cấp cao do cựu Tổng thống Nam Phi Thabo Mbeki đứng đầu với mục đích nhằm ngăn chặn việc thất thoát những nguồn lực quan trọng này. 

Moussa Faki Mahamat, Chủ tịch Ủy ban AU, cũng đã đề cập đến mối đe dọa do dòng tài chính bất hợp pháp gây ra ngay tại phiên khai mạc Đại hội thường niên lần thứ 32 của Hội đồng quản trị AU. Ông khẳng định rằng tất cả các quốc gia châu Phi đều bị ảnh hưởng bởi nạn tham nhũng, dòng chảy tài chính bất hợp pháp và vấn nạn khủng bố. Châu Phi rất cần có sự chung tay để hình thành “một cuộc đấu tranh toàn cầu” và với chủ đề chính của Hội nghị thượng đỉnh AU lần 30 là “Chiến thắng chống tham nhũng: một con đường bền vững để thay đổi châu Phi”, 2018 sẽ là năm của cuộc đấu tranh này.