Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông

(NTO) Năm 2017, bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Sở TT&TT đã không ngừng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) được triển khai ứng dụng trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước có hiệu quả. Hoạt động Trung tâm Tích hợp dữ liệu đang được đầu tư theo hướng tập trung, cơ bản đủ cung cấp tất cả dịch vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, cấp xã và đảm bảo vấn đề bảo mật, an toàn an ninh thông tin cho toàn bộ hệ thống. Sở TT&TT đã triển khai phần mềm Văn phòng điện tử TD.Office đến tất cả các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, xã, phường và thị trấn. 100% cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện đã sử dụng ổn định và hiệu quả phần mềm phục vụ quản lý văn bản và điều hành xử lý công việc tại cơ quan, đơn vị một cách có hiệu quả. Trong năm 2017, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã đã số hóa 293.160 văn bản đến và 115.780 văn bản đi, giúp tiết kiệm khoảng 1,54 tỷ đồng. Hiện nay, tất cả cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã áp dụng chứng thư số theo quy chế đã được ban hành. Cổng thông tin điện tử đã tích hợp 18 trang thông tin điện tử thành phần của các sở, ngành; 7 trang thông điện tử của UBND huyện, thành phố và 22 trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng, đoàn thể, tạo môi trường giao tiếp, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan Nhà nước với người dân và doanh nghiệp.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông ứng dụng hiệu quả phần mềm Văn phòng điện tử TD.Office. Ảnh Văn Nỷ.

Lĩnh vực thông tin-báo chí-xuất bản với nhiều hoạt động chuyên môn mang lại hiệu quả cao. Hệ thống các cơ quan thông tấn báo chí trong tỉnh thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích đề ra, đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân trong tỉnh. Sở cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung kiểm tra, rà soát theo dõi các nội dung trên 160 trang mạng xã hội cá nhân, trong đó có 45 trang mạng xã hội cá nhân với nội dung thông tin đăng tải vi phạm vào Điều 5 của Luật Báo chí, đã phối hợp xử lý vi phạm 4 trường hợp. Qua đó, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở đối với một số đối tượng đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin không chuẩn xác và có nội dung không đúng theo định hướng của cơ quan Nhà nước. Năm qua, Sở đã phối hợp với Bộ TT&TT, Sở Nội vụ… tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng phát ngôn, nghiệp vụ báo chí, TT&TT cơ sở, CNTT trong thời kỳ hội nhập, phòng chống in lậu... cho cán bộ phụ trách công tác thông tin, thông tin đối ngoại, tuyên giáo... các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Qua đó, hoạt động đối ngoại của địa phương dần đi vào nền nếp, công tác phối hợp quản lý giữa các cơ quan chức năng của tỉnh ngày càng thống nhất và chặt chẽ hơn, các hoạt động hợp tác quốc tế, ngoại giao kinh tế được thực hiện theo đúng quy trình, đạt hiệu quả.

Hoạt động bưu chính và viễn thông tiếp tục phát triển mạng Internet đến người dân. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và truyền hình cáp. Tổng doanh thu sản xuất, kinh doanh trong năm của ngành TT&TT là 520,9 tỷ đồng, tăng 4%, nộp ngân sách địa phương hơn 41 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Hiện nay, trên toàn tỉnh có 627.832 thuê bao điện thoại (trong đó, điện thoại cố định 22.604 và di động trả sau 22.803); mật độ điện thoại là 103,8 máy/100 người dân (trong đó, mật độ điện thoại cố định và trả sau đạt 7,6 máy/100 dân); tổng thuê bao Internet trên toàn tỉnh là 148.255 thuê bao, mật độ thuê bao Internet đạt 24,8 thuê bao/100 dân. Ngành TT&TT cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm Bưu điện-Văn hóa xã phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh , giai đoạn 2017-2020; Đề án triển Tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống TT&TT cơ sở giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh, đã góp phần xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Năm 2018, Sở TT&TT tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, HĐND, UBND ban hành hệ thống văn bản quản lý ngành, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thông tin, truyền thông trên địa bàn tỉnh phát triển; thực hiện tốt hơn nữa chức năng quản lý báo chí, xuất bản, từ đó định hướng dư luận, góp phần tạo sự thống nhất trong tư tưởng cán bộ, đảng viên; tăng cường quản lý nhà nước đối với các cơ sở in sao, photocopy…; nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm truyền thanh cơ sở; thực hiện chính quyền điện tử tại địa phương; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông; đảm bảo an toàn an ninh mạng; tập trung hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT và kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.