Hiệu quả từ chính sách giao rừng khoán quản

(NTO) Toàn tỉnh hiện có trên 197.884 ha đất lâm nghiệp, gồm: Đất rừng tự nhiên 132.528 ha, rừng trồng trên 5.127 ha... Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), trong giai đoạn 2011-2016, tỉnh ta đã triển khai nhiều chương trình, dự án liên quan đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó, việc giao rừng khoán quản cho các tổ cộng đồng (TCĐ) đã mang lại hiệu quả khá tốt, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Thực hiện chính sách nói trên, trong giai đoạn 2011-2016 có 8 đơn vị chủ rừng đã giao khoán cho các TCĐ với diện tích trên 168.859 ha, tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng. Với mức chi trả bình quân 200 ngàn đồng/ha/năm, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Ngoài ra, thông qua chương trình bảo vệ và phát triển rừng, nhiều hộ dân tại các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Bác Ái... còn được hỗ trợ 1.414 tấn gạo. Qua đó, các TCĐ đã huy động được sức mạnh tập thể trong việc quản lý, BVR tốt hơn. Đáng nói là nhiều TCĐ khi được nhận khoán đã xây dựng quy ước, hương ước BVR, phân công lịch trực, tuần tra khu vực rừng thường xuyên hơn.

Các tổ cộng đồng nhận khoán quản tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Krông Pha, cho biết: Đơn vị quản lý trên 10.556 ha diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất, nên công tác quản lý, chăm sóc gặp không ít khó khăn. Nhưng từ khi thực hiện chính sách giao rừng khoán quản, đơn vị đã giao cho 7 TCĐ thôn của xã Lâm Sơn nhận khoán bảo vệ, với diện tích hơn 2.480 ha/123 hộ. Nhờ đó, người dân đã có ý thức, trách nhiệm hơn trong công tác trồng, chăm sóc và BVR. Các tổ còn phân công từ 2-3 hộ thay phiên nhau đi kiểm tra khu vực rừng nhận khoán, kịp thời phát hiện các vụ vi phạm lâm luật để báo ngay cho chủ rừng, giúp đơn vị ngăn chặn kịp thời tình trạng đốt nương rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép...

Thực tế cho thấy, việc giao rừng cho các TCĐ nhận bảo vệ không những giúp các đơn vị chủ rừng giải quyết được khó khăn trong công tác quản lý, BVR do nguồn nhân lực thiếu hụt như hiện nay, mà còn từng bước phục hồi và làm giàu vốn rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng. Tính đến nay, tỷ lệ độ che phủ rừng toàn tỉnh đã tăng lên 42,34%. Tuy nhiên, nếu đánh giá một cách toàn diện thì việc giao rừng cho các TCĐ nhận bảo vệ vẫn còn một số tồn tại như: Định mức giao khoán BVR còn thấp; các hộ dân tham gia nhận khoán BVR chưa hưởng vốn vay ưu đãi theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP…

Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian tới, đơn vị tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ rừng phối hợp với các địa phương tăng diện tích giao rừng cho các hộ gia đình, cá nhân và TCĐ. Tạo điều kiện cho các hộ dân tham gia hoạt động bảo vệ và phát triển rừng được vay vốn ưu đãi, hưởng các chế độ, chính sách theo đúng quy định, nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Tiếp tục huy động các nguồn lực và lồng ghép các chương trình, dự án để nâng cao hiệu quả công tác BVR. Tập trung nhân rộng mô hình Quản lý, sử dụng kinh phí giao khoán BVR để thực hiện mô hình sinh kế bền vững cho các TCĐ. Hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng cây ăn trái, phát triển chăn nuôi dưới tán rừng để người dân phát triển kinh tế kết hợp với BVR. Cùng với đó, đơn vị còn đẩy mạnh tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến người dân, đặc biệt là các hộ dân nhận khoán BVR; đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, chính quyền địa phương, chủ rừng và TCĐ trong việc tuần tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi vi phạm; tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách chi trả tiền BVR cho các TCĐ nhằm huy động được nguồn lực của người dân trong việc bảo vệ và phát triển rừng.