Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm việc tại tỉnh Sóc Trăng về công tác dân tộc

Ngày 17-7, tại tỉnh Sóc Trăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng về tình hình kinh tế-xã hội, công tác dân tộc trên địa bàn.

 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Sóc Trăng
về tình hình kinh tế-xã hội, công tác dân tộc trên địa bàn. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Theo ông Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Sóc Trăng có nhiều chuyển tích cực. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, giá lúa tăng, nông dân có lãi; tổng lượng gia súc, gia cầm, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản đều tăng so với cùng kỳ…

Giá trị sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội, thu ngân sách đều bảo đảm tiến độ và tăng khá so với cùng kỳ. Nhiều chủ trương, chính sách của các dự án, đề án về phát triển kinh tế tập thể đang triển khai. Tình hình văn hoá-xã hội, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực, không để xảy ra dịch bệnh lớn…

Về công tác dân tộc, ông Lâm Văn Mẫn cho biết: Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn chiếm 35,76% (trong tổng số 1 triệu người), trong đó đồng bào Khmer chiếm 30,7%, dân tộc Hoa chiếm 5,02%. Toàn tỉnh có 36 xã đặc biệt khó khăn, 72 ấp đặc biệt khó khăn thuộc vùng 2.

Kết quả điều tra hộ nghèo năm 2016 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, toàn tỉnh có 49.501 hộ nghèo (chiếm 15,3%) và 38.290 hộ cận nghèo (chiếm 11,85%), trong đó có 23.042 hộ Khmer nghèo (chiếm 22,95%), 1.098 hộ người Hoa nghèo (chiếm 7,1%).

Đến nay, hầu hết xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế và đường ô tô đến trung tâm xã. 97% người dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh (trong đó có 95% đồng bào dân tộc). 99,4% người dân tộc Khmer có điện sử dụng, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Năm 2017, tình hình đời sống đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng tiếp tục ổn định, phát triển.

Đối với công tác tổ chức, cán bộ làm công tác dân tộc và xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao. Cụ thể, đảng viên người Khmer chiếm 14,24%, đảng viên dân tộc Hoa chiếm 3,46%. Số cán bộ, công chức, viên chức chiếm 24,14% tổng số toàn tỉnh. Có 2.801 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số có trình độ đại học trở lên. Hiện nay, tỉnh có 10/11 huyện, thị xã thành lập Phòng Dân tộc, riêng huyện Cù lao Dung chưa thành lập vì chưa đủ tiêu chí.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, công tác dân tộc trong tỉnh đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, công tác tuyên truyền được phối hợp tổ chức với nhiều hình thức phong phú; các lễ hội văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được phát huy; việc thực hiện các chính sách dân tộc như Chương trình 135, chính sách đặc thù phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, chính sách với người có uy tín, chính sách cấp phát ấn phẩm báo chí cho vùng dân tộc thiểu số, thực hiện đề án chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Các chính sách dân tộc khác có liên quan như chương trình xây dựng nông thôn mới, dự án cung cấp điện, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thông; phát triển giáo dục và đào tạo; đề án củng cố và phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú… đều được tỉnh Sóc Trăng quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt và đang từng bước phát huy hiệu quả.

Nêu rõ thực trạng đời sống nhà ở của đồng bào dân tộc trong tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Thể tâm tư: Tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo của tỉnh cao nhất ĐBSCL (chiếm hơn 27%), chủ yếu lại rơi vào đồng bào Khmer với nhà cửa tạm bợ, dột nát khoảng 22.000 căn đang xuống cấp nghiêm trọng. Đề nghị Trung ương xem xét cho tỉnh một dự án xoá nhà tạm bợ, dột nát cho đồng bào Khmer. Đây là việc rất thiết thực đối với địa phương, trước hết làm khoảng 5.000 căn để đồng bào ổn định chỗ ở, phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, nhu cầu xem truyền hình bằng tiếng dân tộc là rất cần thiết, do đó, cần tăng thời lượng phát sóng bằng tiếng dân tộc để cung cấp tiếng dân tộc để tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, thông tin về phát triển kinh tế-xã hội…

Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu kết luận tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương, đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là việc chăm lo đời sống của bà con các dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng được cả hệ thống chính trị quan tâm, hỗ trợ, đem lại kết quả thiết thực, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng ấm no, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém mà tỉnh cần nỗ lực khắc phục, vươn lên trong thời gian tới. Đó là, Sóc Trăng vẫn là tỉnh nghèo, cơ cấu kinh tế còn nhỏ bé, thu nhập và ngân sách thấp chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu chi, chưa quan tâm đào tạo lao động chất lượng cao, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn mức cao.

Từ đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị tỉnh Sóc Trăng cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ thị của Ban Bí thư, thông báo kết luận của Ban Bí thư, các nghị quyết của cấp có thẩm quyền về phát huy vai trò to lớn của đồng bào dân tộc thiểu số, tuyên truyền vận động đồng bào về thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, không để kẻ xấu lợi dụng kích động đồng bào.

Tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, nhất là chính sách về hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giải quyết việc làm cho nhân dân. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, tập trung nguồn lực thực hiện tốt các chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số như nhà ở, quy hoạch dân cư, hộ nghèo theo hướng phát triển bền vững.

“Sóc Trăng cần có các giải pháp giảm nghèo bền vững từ nay đến năm 2020, hướng đến năm 2030. Hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Góp phần tăng thu và nâng cao thu nhập bình quân đầu người của người dân trong tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Có chính sách chuyển đổi nghề, tạo việc làm để ổn định và nâng cao cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh.

“Thách thức lớn đối với tỉnh là trình độ dân trí thấp, hạ tầng yếu, tỉnh nghèo… trong khi đó, chúng ta phải nỗ lực để triển khai toàn diện cùng cả nước cơ bản thành nước công nghiệp vào năm 2020. Muốn vậy, phải nghiên cứu xây dựng hạ tầng, quy hoạch phát triển như việc xem xét xây dựng cảng Trần Đề thành cảng nước sâu để gắn với phát triển điện gió, điện mặt trời, một số khu công nghiệp thu hút nhà đầu tư chiến lược như Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và các nhà đầu tư trong nước vào xúc tiến đầu tư cho tỉnh nhà”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gợi mở với lãnh đạo tỉnh và các bộ, ngành.

Bên cạnh đó, tỉnh cần tính toán việc chuyển đổi giống cây trồng, thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, cải cách hành chính phải đột phá, xoá đói giảm nghèo… Qua đó, tạo ra động lực để phát triển kinh tế của địa phương. Phát triển giáo dục và đào tạo, ưu tiên người dân tộc thiểu số, chính sách cử tuyển, dạy nghề cho con em dân tộc thiểu số để bổ sung nguồn lực cho địa phương sau này với hệ thống các trường dân tộc nội trú.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ lưu ý, tỉnh cần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc, nhân rộng các bài thuốc quý trong nhân dân. Đồng thời, ngăn chặn cho được hôn nhân cận huyết thống, cũng như nạn tảo hôn trong đồng bào dân tộc và thực hiện tốt chính sách dân số, đẩy lùi tệ nạn, hủ tục gắn với tuyên truyền các nâng cao nhận thức của người dân, bảo vệ truyền thống văn hoá các dân tộc.

Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số, quan tâm đến công tác đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới. Đổi mới hoạt động của các tổ chức chính trị, gắn với việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác giữ vững an ninh chính trị, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ động ngăn chặn từ xa các hoạt động chống phá khối đại đoàn kết toàn dân. Tập trung đấu tranh ngăn chặn sự về suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện của diễn biến và tự diễn biến, tự chuyển hoá trong cán bộ, đảng viên. Bởi các thế lực thù địch luôn chống phá, gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động bà con… Do đó, việc tuyên truyền vận động bà con sống hoà hợp, đoàn kết, không nghe kẻ xấu, hiểu rõ chính sách tốt đẹp của chế độ ta, xây dựng quê hương ấm no, phát triển.

Về các kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để Sóc Trăng phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Nguồn www.chinhphu.vn