VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Khó mấy vẫn quyết tâm làm!

(NTO) Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) toàn tỉnh có 34.616 hộ/161.010 khẩu, trong số này hộ nghèo còn có gần 11.140 hộ/51.673 khẩu, chiếm 32.17% và hộ cận nghèo có 5.371 hộ/25.393 khẩu, chiếm 15.51%... Nêu ra những con số trên để thấy rằng với “số đông” hộ nghèo, cận nghèo đã tạo nên lực cản rất lớn cho sự phát triển cả kinh tế lẫn xã hội trong cộng đồng vùng đồng bào DTTS, trong đó vấn đề đáng lo ngại là tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn diễn ra khá phổ biến, không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dân số, mà còn là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo khó, kém phát triển. Theo kết quả điều tra gần đây cho thấy, tỷ lệ cặp vợ chồng người dân tộc Raglai tảo hôn chiếm đến 38,3% và kết hôn cận huyết thống chiếm 3,8%; hay đối với người dân tộc Chăm  tỷ lệ cặp vợ chồng tảo hôn còn chiếm đến 16,2% và kết hôn cận huyết thống chiếm 15,6%, chủ yếu các trường hợp đã nêu đều rơi vào các xã khu vực III và địa bàn các thôn đặc biệt khó khăn trong tỉnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như: ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu, những hủ tục hứa hôn vẫn còn tồn tại; sự thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý, giáo dục con em của các bậc phụ huynh; trình độ dân trí và nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của đồng bào DTTS còn hạn chế, nhất là tư tưởng cho con có vợ có chồng sớm để tránh gánh nặng cho cha mẹ; sự can thiệp của chính quyền địa phương chưa quyết liệt; sự phát triển của công nghệ thông tin cũng đem lại những tác hại tiêu cực đến sự phát triển tâm sinh lý của giới trẻ vị thành niên, một bộ phận vị thành niên có lối sống buông thả, đua đòi yêu đương sớm dẫn đến có thai ngoài ý muốn; công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương còn nhiều hạn chế; nhận thức về công tác dân số của đồng bào chưa cao, tư tưởng muốn gia đình có thêm lao động... Thậm chí một số gia đình đồng bào DTTS còn có quan niệm cho rằng có quan hệ cận huyết thống với nhau sẽ gần gũi hơn!...

Những người mẹ trẻ đồng bào Raglai địu con đi chợ xã Ma Nới (Ninh Sơn). Ảnh: Sơn Ngọc

Cân phân mà nói, nhận rõ thực trạng này những năm qua thực hiện Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, tỉnh ta đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện đảm bảo tính thống nhất, thiết thực, đồng bộ và phù hợp với điều kiện thực tế vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Qua thực tế thực hiện đã hình thành được một số mô hình hay như tại xã Phước Thắng (Bác Ái) đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gồm 40 thành viên. Thông qua sinh hoạt của CLB, các thành viên được tổ chức tư vấn hướng dẫn nội dung tuyên truyền về các lĩnh vực Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, công tác xoá đói giảm nghèo tại địa phương; tổ chức thu thập thông tin thông qua phiếu khảo sát nhằm đánh giá tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong xã...Theo đánh giá, qua hoạt động bước đầu của CLB đã đạt được một số kết quả như: Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức xã và đồng bào DTTS, nhất là đối tượng vị thành niên về những vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, hậu quả của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; xóa dần các hủ tục lạc hậu; các thành viên câu lạc bộ còn tích cực hoạt động bám sát địa bàn thôn để tuyên truyền vận động, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền…; đặc biệt vận dụng những kỹ năng được tập huấn để tuyên tuyền vận động đồng bào chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn...

Theo lãnh đạo một số địa phương, để giảm thiểu tình trạng đã nêu không thể một sớm một chiều mà làm được, tuy nhiên khó mấy cũng phải làm theo đúng tinh thần Đề án Chính phủ đã ban hành cũng như chỉ đạo của tỉnh. Qua đó, yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ và đồng bào DTTS bằng các hình thức phù hợp về những tác hại, hậu quả và hệ lụy do tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống mang lại; chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về dân số, hôn nhân và gia đình, xử lý vi phạm hành chính, hình sự liên quan đến tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Ngoài ra, tiếp tục huy động, phát huy vai trò tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào, người dân xoá bỏ hủ tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình, nghiêm túc thực hiện chính sách, pháp luật. Vấn đề không kém phần quan trọng đó là các hội đoàn thể vận động hội viên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc và tiến bộ; đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội; tăng cường công tác giáo dục trong nhà trường về hậu quả, tác hại của tảo hôn và và hôn nhân cận huyết thống, đồng thời đấu tranh chống những quan điểm lạc hậu ngay từ trong gia đình mình và trong cộng đồng dân cư để khắc phục, bài trừ tệ nạn này...