Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ

Ngày 1/6, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập đã làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ.

Buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và các bộ, ngành địa phương khác sẽ giúp hoàn thành Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) để trình Trung ương cho ý kiến tại Hội nghị lần thứ 6, góp phần tạo căn cứ để Trung ương tiếp tục thảo luận Đề án cải cách tiền lương tại Hội nghị lần thứ 7.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết tới năm 2016, Bộ KH&CN có 76 ĐVSNCL hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm với tổng số 3.747 công chức, viên chức và người lao động. Còn trên toàn quốc, tính đến 31/5/2016, có 1.432 tổ chức KHCN công lập với tổng số nhân lực nghiên cứu thuộc khu vực công lập 139.531 người (trong tổng số nhân lực nghiên cứu của cả nước là 164.744 người). Bộ KH&CN cho rằng số lượng tổ chức KHCN như vậy là nhiều, chức năng, nhiệm vụ chồng chéo.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Trong sắp xếp lại tổ chức ĐVSNCL, các bộ, ngành và địa phương phải tìm ra địa chỉ cụ thể, không nên chỉ đặt ra mục tiêu từng bước sắp xếp với các con số chung chung. Phải có tiêu chí để sắp xếp các đầu mối và biên chế, không thực hiện giảm hay tăng theo kiểu cơ học. Tương tự như vậy là nêu địa chỉ cụ thể ở các lĩnh vực, đơn vị có thể tự chủ được tài chính”.

Trước định hướng của Bộ KH&CN về việc chuyển các đơn vị nghiên cứu khoa học cơ bản sang các trường và đơn vị nghiên cứu ứng dụng sang các tập đoàn, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng gợi mở cho Bộ KH&CN, Ban Chỉ đạo nghiên cứu kỹ hơn việc một số trường đại học trên thế giới đã thành lập một hoặc nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoa học trực thuộc trường và hoạt động rất hiệu quả.

Phó Thủ tướng cho rằng: “Không nên hiểu đổi mới, sắp xếp hoạt động của ĐVSNCL là dẹp bớt đi, đông người quá thì giảm bớt đi, mà là sắp xếp hợp lý. Cần giảm đầu mối, biên chế thì giảm, cần cơ cấu lại, tăng thì vẫn phải tăng, kể cả giải thể đơn vị để đạt mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động. Vẫn có nơi thừa cán bộ quản lý nhưng lại thiếu cán bộ nghiên cứu khoa học”.

Phó thủ tướng gợi ý một số vấn đề khác như cách phân loại, đánh giá xếp hạng các ĐVSNCL, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn hoạt động, kiểm tra thanh tra theo hướng tiền kiểm hay hậu kiểm chất lượng; các vấn đề về cơ chế chủ quản của ĐVSNCL, cách thức tổ chức các ĐVSNCL tự chủ được mà không muốn chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Nhà nước nghiên cứu, đánh giá việc thực hiện hành lang pháp lý hiện nay như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, các nghị định liên quan của Chính phủ để bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, thực hiện tốt chức năng hiện có với tinh thần đổi mới mạnh mẽ các tổ chức KHCN, tạo động lực trong nghiên cứu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế đất nước.

Phó Thủ tướng cho biết, Đề án cũng đặt ra việc nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp đồng có thời hạn của viên chức tại cơ sở khoa học để một mặt, tinh giản bộ máy, biên chế, mặt khác tạo điều kiện nâng cao năng lực của bộ phận này.

Giải đáp băn khoăn của một số đại biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng cho biết trong tổ chức và thực hiện dịch vụ công, Nhà nước sẽ phải phân định rõ “công”, “tư”, nhưng không được phân biệt đối xử với các đơn vị sự nghiệp công lập hay dân lập. “Nhà nước vẫn đặt hàng dịch vụ đối với các công ty cổ phần, tư nhân”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp Hoàng hậu Hà Lan

Chiều 1/6 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp Hoàng hậu Hà Lan Maxima, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ tới thăm, làm việc tại Việt Nam.

Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước, đồng thời chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về thúc đẩy tài chính bao trùm, toàn diện đối với Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng khi được tiếp và làm việc với Hoàng hậu Hà Lan, khẳng định đây là dịp để hai bên chia sẻ sứ mệnh và tầm nhìn chiến lược đối với việc ban hành, thực thi các chính sách tài chính, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam và Hà Lan.

Hoàng hậu Hà Lan Maxima đánh giá cao các thành tựu quan trọng mà Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế, thực hiện chính sách giảm nghèo, là những bài học cho các quốc gia khác trên thế giới.

Hoàng hậu Hà Lan cho biết qua chuyến thăm này, bà và các cơ quan liên quan của Việt Nam đã thảo luận các vấn đề chiến lược về tài chính bao trùm với khả năng thanh toán mạnh mẽ, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của người dân và nền kinh tế-xã hội. Trong đó, chính sách này tập trung vào chính sách tín dụng vi mô, hỗ trợ cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa - nguồn lực rất lớn cho tăng trưởng và việc làm.

Ngoài ra, theo Hoàng hậu Maxima, nội hàm của chủ đề này rất đa dạng, không chỉ có chính sách tín dụng mà còn bàn tới các lĩnh vực về tiết kiệm, bảo hiểm giúp người dân phòng tránh được rủi ro trong sản xuất, kinh doanh.

Một trong những điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách tài chính bao trùm là tỷ lệ điện thoại di động/số dân rất cao tại Việt Nam, tạo ra một giải pháp công nghệ để tăng cường khả năng thực thi và tiếp cận tài chính bao trùm.

Đồng tình với những nhận xét, đánh giá của Hoàng hậu Maxima về Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam nhận thức rõ 3 trụ cột của tăng trưởng là sự bền vững của kinh tế, xã hội và môi trường. Nội hàm tăng trưởng toàn diện đã được Việt Nam thông qua, đưa vào chương trình nghị sự cấp Bộ trưởng của các nước thành viên APEC-2017.

Thực tế những năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách liên quan tới chính sách tài chính bao trùm, toàn diện với các công cụ tài chính vi mô, tín dụng nông nghiệp, nông thôn, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, người nghèo, tín dụng việc làm và tín dụng cho học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, Việt Nam cần có chiến lược với các chính sách tài chính bao trùm, đồng thời thực hiện giáo dục truyền thông cho người thực thi và đối tượng thụ hưởng để nhận thức đầy đủ hơn quyền và nghĩa vụ tài chính của mình. Việc thực hiện chính sách tài chính toàn diện phải bảo đảm nguyên tắc thị trường và vai trò của Nhà nước phải theo đúng sự phân công của thị trường.

Phó Thủ tướng đề nghị Hoàng hậu, với tư cách đại diện cho Hà Lan và là Đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ về tài chính toàn diện, giúp huy động các nguồn lực tài chính và kỹ thuật từ LHQ và các tổ chức quốc tế khác để hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả tài chính bao trùm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về thúc đẩy tăng trưởng GDP

Ngày 1/6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, khai khoáng, hoá chất và công nghiệp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Công Thương đã phối hợp cùng các bộ, ngành và đơn vị liên quan rà soát, đánh giá, đề xuất kịch bản với các ngành và từng quý năm 2017 để bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7%.

Theo Bộ Công Thương, mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành cả năm 2017 dự kiến sẽ ở mức khoảng 8% (đạt mức kế hoạch đề ra của năm 2017 và cao hơn so với mức tăng của năm 2016 là 7,4%). Trong đó, ngành khai khoáng đạt khoảng 92% so với năm 2016 (đã tính đến sản lượng khai thác dầu thô tăng thêm 1 triệu tấn). Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 12,5% so với năm 2016. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng khoảng 12,0%.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7% là rất khó khăn, nhưng không phải không có khả năng thực hiện.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ KH&ĐT, đặc biệt là của ngành thống kê, trong việc đưa ra được các kịch bản tăng trưởng, với mục tiêu cụ thể đến từng ngành, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu cần tiếp tục tính toán chi tiết hơn nữa, đến từng sản phẩm chủ lực trong cơ cấu GDP.

“Từ nay đến cuối năm phải điều hành theo từng chỉ tiêu tăng trưởng của từng sản phẩm cụ thể. Tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng không duy ý chí, không chủ quan”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành cần có giải pháp trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đơn vị bảo đảm thực hiện có hiệu quả để tái cơ cấu hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất lớn của nền kinh tế như sản xuất đồ uống, hóa chất, điện lực, than khoáng sản, dầu khí.

Bộ Công Thương chủ trì, có các giải pháp hỗ trợ DN phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, cũng như ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới. “Phải kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua các chính sách về thuế, phí... để giúp cho các DN cắt giảm được chi phí, phát triển thị trường, cạnh tranh có hiệu quả”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải tập trung giải quyết các dự án đang tồn đọng, các dự án còn vướng mắc để sớm tái khởi động, đưa vào khai thác sản xuất kinh doanh, phát huy nguồn lực đóng góp mạnh mẽ vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần có các giải pháp đảm bảo thị trường bất động sản phát triển bền vững, lành mạnh bởi đây là một nhân tố ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy thị trường bất động sản đang phát triển khá ổn định, nhưng tuyệt đối không được chủ quan.

Đối với một số ngành, lĩnh vực sản xuất cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo rà soát, nâng cao hiệu quả, sản lượng các lĩnh vực khai khoáng, đặc biệt là dầu khí, than; ngành dầu khí bảo đảm khai thác thêm tối thiểu 1 triệu tấn dầu thô so với kế hoạch.

Ngành may mặc, giày da, túi xách cần duy trì tăng trưởng cao (trên 10%). Ngành công nghiệp ô tô cần được khuyến khích để tăng tỉ lệ nội địa hoá, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ngành cơ khí chế tạo, sản xuất thép, công nghiệp hoá chất, rượu bia, nước giải khát cần được tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất. Lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng cũng cần được ưu tiên hơn. Sớm tính toán chi tiết về thị trường, sản lượng, khả năng đóng góp cho tăng trưởng của sản phẩm bột nhôm. Bộ Công Thương sớm có quy định chi tiết về chế biến sâu đối với một số loại khoáng sản; khuyến khích DN trong nước ưu tiên sử dụng nguyên liệu đầu vào là các loại khoáng sản trong nước sản xuất được.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tái cấu trúc ngành, sản phẩm để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn chế thấp nhất hậu quả của thiên tai, với mục tiêu đạt phương án tăng trưởng cao nhất.

Văn phòng Chính phủ