UBND tỉnh: Tổ chức hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo kết thúc Dự án Hỗ trợ tam nông tỉnh

(NTO) Ngày 24-5, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo tham vấn, lấy ý kiến góp ý dự thảo báo cáo kết thúc Dự án Hỗ trợ tam nông tỉnh. Tham dự có đại diện Văn phòng IFAD (Quỹ Quốc tế phát triển nông nghiệp) Việt Nam; lãnh đạo các sở ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Ban Điều phối Dự án Hỗ trợ tam nông tỉnh (PCU); các huyện, xã thực hiện dự án và một số doanh nghiệp. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án Hỗ trợ tam nông tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án Hỗ trợ tam nông tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Đại biểu phát biểu tại hội nghị.

Có hiệu lực từ ngày 25-2-2011, Dự án Hỗ trợ tam nông được thiết kế với mục tiêu tổng thể nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn, đặc biệt là những người sinh sống tại những vùng khó khăn của tỉnh. Sau 6 năm thực hiện, hoạt động tổng thể của toàn dự án được đánh giá là đạt yêu cầu. Đến ngày 30-4, tổng giải ngân của dự án đạt 96%, dự kiến đến ngày 30-9 tổng giải ngân lũy kế sẽ đạt 100% tổng chi phí dự án. Dự án đã mang lại lợi ích cho 205.395 người, trong đó có 51.895 phụ nữ và 84.984 người dân tộc thiểu số. Trong 27 xã vùng dự án, tỷ lệ sở hữu các loại tài sản gia đình tăng khoảng 10-27% và tỷ lệ hộ nghèo giảm 14%. Qua phát triển các chuỗi giá trị vì người nghèo, có 2.762 hộ có thu nhập tăng ít nhất 25%, trong đó có 41% là hộ nghèo, cận nghèo; 70% số phụ nữ là thành viên các nhóm đồng sở thích và nhóm tiết kiệm-tín dụng đã tăng 20% thu nhập. Từ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của dự án, các xã đã xây dựng 64.000 m đường giao thông, 11 cầu cống, 26.500 m kênh tưới tiêu, 4.700 m2 chợ, 46 sân phơi, 2 ao, 1 giếng, 2 hệ thống điện và 1.105 chuồng trại.

Từ những bài học kinh nghiệm rút ra, để duy trì kết quả và phương pháp tiếp cận của dự án, Văn phòng IFAD Việt Nam khuyến nghị UBND tỉnh nên có hành động tiếp theo trong việc thể chế hóa các hoạt động mang tính đổi mới của dự án vào chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và hướng dẫn trực tiếp các cơ quan liên quan thực hiện nhiệm vụ đã được phân công. Đại diện các huyện, xã dự án và một số doanh nghiệp liên kết với nông dân; các sở ngành, đoàn thể về cơ bản đã nhất trí với dự thảo báo cáo và góp ý về nâng cao năng lực cán bộ xã, phát triển chuỗi giá trị sản xuất, việc kết nối giữa các tổ nhóm nông dân với doanh nghiệp, củng cố các tổ hợp tác và hỗ trợ mở rộng Quỹ phát triển phụ nữ trong giai đoạn 2 của dự án.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo PCU cập nhật lại một số thông tin, làm rõ bối cảnh khó khăn của địa bàn khi triển khai dự án để tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh dự thảo báo cáo. Liên quan tới các vấn đề góp ý của các ngành, địa phương, đồng chí nhấn mạnh rút kinh nghiệm trước đây, trong giai đoạn 2 việc thực hiện dự án phải làm từ dưới lên và phải có sự tham gia ngay từ đầu của các doanh nghiệp, đoàn thể; cần có cách làm mới trong vay vốn tín dụng và triển khai các quỹ dự án. Đặc biệt là chú trọng phát triển chuỗi giá trị bền vững, đánh giá đúng tính thích ứng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và tính kết nối của doanh nghiệp để vận hành đồng bộ dự án.