Ninh Phước-“Điểm sáng” mô hình quần chúng tự quản về an ninh trật tự

(NTO) Huyện Ninh Phước có 9 xã, thị trấn, với dân số khá đông 34.287 hộ, 154.526 nhân khẩu. Huyện có tuyến Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam đi qua, thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế nhưng cũng tiềm ẩn nhiều phức tạp về an ninh trật tự (ANTT). Song thời gian qua, bằng nhiều biện pháp nhằm ổn định tình hình, Công an huyện đã làm tốt vai trò tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm (PCTP), tệ nạn xã hội (TNXH) và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó chú trọng tham mưu xây dựng các mô hình quần chúng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” ở địa bàn dân cư. Qua khảo sát, toàn huyện đang duy trì 605 tổ, nhóm, CLB thuộc 7 loại mô hình quần chúng tự quản về ANTT rộng khắp ở 15 khu phố và 51 thôn, tạo nên hệ thống “chân rết” trong Nhân dân tham gia tố giác, phát giác tội phạm, phối hợp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và giữ gìn ANTT ở cơ sở.

Hiệu quả đầu tiên phải kể đến là sự phối hợp chặt chẽ giữa Công an huyện với Ủy ban MTTQVN huyện trong việc khảo sát, đánh giá thực trạng tình hình ở các xã, thị trấn để thành lập một số mô hình “điểm” như: Cụm liên kết đảm bảo ATGT và Tổ an ninh xung kích về ANTT làm nhiệm vụ phối hợp tuần tra, đảm bảo ANTT, tham gia đấu tranh, PCTP và TNXH; mô hình Tộc họ tự quản về ANTT, vận động, giáo dục con cháu không vi phạm pháp luật. Ngoài ra, còn xây dựng 2 CLB “điểm” về PCTP ở xã Phước Thuận và thị trấn Phước Dân và mô hình Tổ nhân dân tự quản về ANTT thực hiện theo quy chế của UBND tỉnh.

 
Mô hình “Thắp sáng đường quê” được Huyện đoàn Ninh Phước thực hiện hiệu quả,
góp phần kiềm chế tai nạn giao thông và tội phạm vào ban đêm.

Khi các phong trào tự quản về ANTT tạo được sự lan tỏa, huy động ngày càng đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, đóng góp kinh phí duy trì hoạt động cho lực lượng cốt cán, Ban chỉ đạo huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành chú trọng xây dựng các mô hình xã hội hóa. Tiên phong ở lĩnh vực này là Huyện đoàn với mô hình “Thắp sáng đường quê” nhằm lắp đèn chiếu sáng trên các tuyến đường là “điểm đen” về tai nạn giao thông và mất ANTT. Anh Võ Minh Tân, Phó Bí thư Huyện đoàn Ninh Phước, chia sẻ: Mô hình “Thắp sáng đường quê” được xây dựng thành mô hình tự quản của quần chúng và chính thức triển khai đồng loạt ở 9/9 xã, thị trấn từ năm 2016, kinh phí thực hiện do người dân địa phương đóng góp. Ngoài ra, tổ chức Đoàn cũng huy động thêm kinh phí xã hội hóa từ các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm. Đến nay, nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn đã nhiệt tình đóng góp hơn 87,7 triệu đồng, lắp đặt 1.207 bóng đèn chiếu sáng phủ kín 16 tuyến đường trọng điểm. Quá trình sử dụng, các hộ dân trên địa bàn tiếp tục chi trả tiền điện hàng tháng để duy trì hệ thống đèn chiếu sáng, ngăn ngừa nạn cướp giật trên đường, đồng thời giảm thiểu tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm.

Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, mỗi mô hình quần chúng tự quản ở huyện Ninh Phước có những cách làm khác nhau nhưng đều chung mục đích giữ gìn ANTT ở cơ sở. Các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả trong việc huy động, tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia theo hướng “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”, từ đó nâng cao tinh thần tự giác, chung tay bảo vệ trật tự trị an. Trung bình mỗi năm có hàng trăm nguồn tin giá trị được quần chúng cung cấp giúp lực lượng Công an đấu tranh, PCTP và điều tra, khám phá án. Đặc biệt, chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, các Tổ tự quản và quần chúng nhân dân đã cung cấp thông tin, tố giác, phát giác tội phạm và TNXH, giúp Công an huyện triệt phá 64 tụ điểm đánh bạc, tạm giữ 33 đối tượng và khám phá 16 vụ phạm pháp hình sự; trong đó có nhiều vụ thuộc tội trộm cắp, cướp giật tài sản, đánh người nghiêm trọng… gây bức xúc và lo lắng trong Nhân dân.

Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban chỉ đạo phong trào, cho biết: Từ kinh nghiệm của những năm qua, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát, đánh giá toàn diện về số lượng, chất lượng hoạt động của các mô hình. Qua đó thanh loại những tổ, nhóm, CLB kém hiệu quả, củng cố, nhân rộng mô hình hay, phù hợp với đặc thù, tình hình thực tế. Cùng với đó, giao chỉ tiêu mỗi ngành, đoàn thể cấp huyện và các xã, thị trấn phải xây dựng mới ít nhất 1 mô hình tự quản về ANTT tiêu biểu, đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng môi trường sống, làm việc và học tập an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục vận động Nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nông thôn mới.