Nuôi dưỡng tình yêu sách

(NTO) Sách là sản phẩm của kết tinh trí tuệ, tài sản vô giá của nhân loại. Đọc sách giúp con người nâng cao hiểu biết, tích lũy tri thức. Nguồn tri thức từ sách là hành trang quý báu để mỗi người bước vào cuộc sống, sống và khẳng định mình. Cùng với đó, đọc sách là cách giải trí hiệu quả giúp con người thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng… Những người mê sách chắc hẳn đã từng nghe triết lý của M. Xê-clê-ca: “Đọc sách là nuôi dưỡng trí tuệ”.

Những năm gần đây, cùng với sự quan tâm chăm lo của các cơ quan, ban, ngành và cộng đồng xã hội, văn hóa đọc đang ngày càng phổ biến và phát triển đa dạng. Trong năm 2016, ngành Xuất bản đã nộp lưu chiểu trên 26.000 xuất bản phẩm, với trên 255 triệu bản in; trong đó sách in có hơn 24.700 xuất bản phẩm, sách điện tử 120 xuất bản phẩm, số còn lại là tranh ảnh, bản đồ, đĩa và lịch… Từ cuối năm 2016 đến nay cũng là thời gian xuất hiện tác phẩm ở nhiều thể loại khác nhau như là nỗ lực tìm kiếm nhu cầu đọc mới của độc giả. Trong đó, đáng chú ý là sự phát triển mạnh của dòng sách “khởi nghiệp” đang được độc giả quan tâm chú ý…

Ảnh minh họa.

Chuyện đọc sách theo trào lưu không còn mới lạ trong xã hội ngày nay, thậm chí phát triển đến mức xuất hiện hình thức viết sách theo trào lưu. Chính vì vậy, khi nhìn nhận về văn hóa đọc trong nước hiện nay, những nhà phê bình, nghiên cứu thường có chung một cảm giác vừa vui, vừa buồn. Vui vì chúng ta có một thị trường sách đa dạng và phát triển cả về hình thức lẫn nội dung, một hệ thống xuất bản, phát hành ngày càng chuyên nghiệp; có lượng độc giả lớn, luôn nhiệt tình mua sách, đọc sách… Nhưng buồn bởi hiện nay, kỹ năng đọc sách của độc giả không có sự phát triển tương xứng, sở thích đọc chưa hình thành cụ thể, tích cực, việc đọc theo trào lưu, theo dư luận vẫn phổ biến. Có thể nói, việc xuất bản theo trào lưu đã phần nào đáp ứng nhu cầu của độc giả theo từng thời kỳ được xem là hình thức xuất bản hiện đại, phù hợp với thực tế văn hóa đọc hiện nay. Song đọc sách theo trào lưu, nhằm thỏa mãn sở thích, thú vui cá nhân, không gắn với việc tích lũy tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng đâu đó chưa phát huy hiệu quả của việc đọc sách. Chính vì vậy, việc thiết lập kỹ năng đọc, nâng cao văn hóa đọc đang là vấn đề được đặt ra hiện nay.

Lênin đã từng khẳng định: “Đọc sách cũng là một nghệ thuật”. Thực tiễn đã chứng minh rằng vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới đã đọc sách rất nhiều. Để làm được điều đó, Lênin đã tạo lập cho mình nghệ thuật đọc khoa học. Theo Người, nghệ thuật đó chính là đọc sao cho hợp lý, khoa học và có hiệu quả nhất (về thời gian, dung lượng và nội dung). Để phát huy hiệu quả của việc đọc sách, mỗi cá nhân phải biết lựa chọn đọc những loại sách giàu tri thức trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội…, qua đó nhằm tăng cường khả năng tư duy, tích lũy kiến thức, góp phần bồi dưỡng và phát triển nhân cách, giúp con người hoàn thiện hơn. Đặc biệt, tri thức mà chúng ta tiếp nhận qua đọc sách còn làm giàu thêm những hiểu biết về nghề nghiệp, từ đó mang lại hàm lượng chất xám cao hơn trong công việc, cống hiến nhiều và hiệu quả hơn cho xã hội. Hơn hết thảy, để nâng cao văn hóa đọc cho cộng đồng xã hội rất cần sự “nhập cuộc” hơn nữa của đông đảo các nhà lý luận, phê bình giữa thị trường sách đang phát triển đa dạng và sôi động hiện nay, qua đó góp phần giáo dục, định hướng thẩm mỹ, nâng cao năng lực tiếp nhận và kỹ năng đọc cho độc giả…