Vì một thành phố thêm “xanh”

(NTO) Những năm qua, công tác trồng, bảo vệ, chăm sóc cây xanh được Tp. Phan Rang-Tháp Chàm quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo diện mạo thành phố ngày càng khang trang, “xanh, sạch, đẹp”.

Đồng chí Phạm Ngọc Hy, Trưởng phòng Quản lý đô thị Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cho biết: Hằng năm, thành phố đầu tư khoản kinh phí đáng kể cho công tác trồng và chăm sóc cây xanh. Hiện nay, thành phố đang quản lý trên 11.000 cây trên 70 tuyến đường, các điểm công cộng. Mật độ phủ xanh đã tăng từ 6 m2/người năm 2011 lên 8,5 m2/người hiện nay.

Công viên 16 Tháng 4 - “lá phổi xanh” của Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: T.Long

Ngoài đầu tư cây xanh cho các tuyến phố, dải phân cách, cơ quan, đơn vị, trường học…, thành phố đặc biệt quan tâm xây dựng các công trình, công viên cây xanh, hồ điều hòa có quy mô lớn xen lẫn trong các khu dân cư, khu đô thị mới, khu du lịch, không chỉ giúp cho thành phố xanh, đẹp, mà quan trọng hơn là tạo “lá phổi xanh” điều hòa không khí, “giải nhiệt” cho người dân vùng nắng gió. Điển hình trong số đó phải kể đến Công viên Biển Bình Sơn-Ninh Chử, hồ điều hòa Mỹ Bình…, đặc biệt trong năm 2016, UBND thành phố đã thực hiện 2 công trình “Trồng cây xanh khu quần thể Tượng đài-Bảo tàng” và “Cải tạo, nâng cấp cổng- tường rào công viên 16 Tháng 4”, với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng, trong đó có gần 9 tỷ đồng để đầu tư trồng mới gần 600 cây cổ thụ các loại như: Sanh, dầu rái, sấu, phượng vỹ, me tây, cau vua, hơn 26.000 m2 thảm hoa, cây cỏ các loại như: Cỏ lông heo, hoa lá viền...

Điều đáng ghi nhận đó là thời gần đây, công tác xã hội hóa phát triển cây xanh được thành phố đẩy mạnh, không chỉ tạo thêm nguồn lực, mà còn đưa phong trào trồng và chăm sóc cây xanh đi vào nếp sống của người dân đô thị. Hưởng ứng phong trào này phải kể đến như VietinBank Ninh Thuận hỗ trợ trên 500 triệu đồng trồng hơn 50 cây cảnh tạo dáng các loại: Bông giấy, sanh, hồng lộc và trồng dặm thêm một số loại hoa lá màu trên dải phân cách đường 16 Tháng 4. Trường Mầm non Hoa Sen tự nguyện trồng 18 cây cau vua trên tuyến đường Hà Huy Giáp. Đoàn Thanh niên phường Mỹ Bình vận động người dân hỗ trợ kinh phí mua 5 cây dầu và đảm nhận việc chăm sóc cây trên tuyến đường Bùi Thị Xuân… Ngoài ra, tại nhiều khu đô thị mới, việc trồng và chăm sóc cây xanh được các chủ đầu tư thực hiện, qua đó góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí từ nguồn ngân sách. Các phong trào bảo vệ môi trường, chăm sóc và quản lý cây xanh như: “Ngày Chủ nhật xanh”, “Tuyến đường tự quản”, “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”… được đông đảo người dân, các tổ chức, đoàn thể tích cực hưởng ứng, góp phần quan trọng trong công tác phát triển và bảo vệ cây xanh, hình thành nên các tuyến phố văn minh, xanh, sạch, đẹp...

Công nhân chăm sóc cây xanh tại Công viên 16 Tháng 4. Ảnh: Văn Miên

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển, quản lý cây xanh vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Để giảm chi phí, đối với một số cây trồng, UBND thành phố tổ chức hợp đồng với đơn vị dịch vụ công ích chăm sóc trong thời gian đầu, khi cây sống ổn định thì giao lại cho địa phương có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều địa phương do không có chuyên môn, chưa thực sự quan tâm chăm sóc nên tỷ lệ cây chết khá cao. Nhiều người dân thiếu ý thức tự ý bẻ cành, chặt phá cây xanh; việc quy hoạch cây xanh tại một số điểm chưa hợp lý nên chưa đạt hiệu quả cao.

Phấn đấu đến năm 2020, thành phố sẽ nâng diện tích cây xanh đô thị đạt 9 m2/người. Để đạt được mục tiêu này, ngoài đầu tư phát triển cây xanh từ nguồn ngân sách, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tuyên truyền, vận động, kêu gọi tổ chức, cá nhân chung tay phát triển, chăm sóc cây xanh. Xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tiên tiến; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc cây xanh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần tích cực xây dựng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm ngày càng “xanh-sạch-đẹp”.