Tháng 1-2017: Hàng hóa phong phú, giá cả ổn định!

(NTO) Tháng 1-2017 là tháng áp Tết cổ truyền Đinh Dậu 2017 nên thị trường hàng hóa phong phú đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân ở khắp các vùng miền trong tỉnh. Theo Cục Thống kê tỉnh, ước tính tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng này đạt trên 1.406,4 tỷ đồng, tăng 7,1% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Người dân mua sắm hàng tiêu dùng tại Siêu thị Thanh Hà. Ảnh: Sơn Ngọc

Điều rất đáng ghi nhận là khác với mọi năm, tuy là tháng Tết nhưng giá cả khá ổn định, không có sự tăng giá đột biến, hay tự ý nâng giá… Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1- 2017 tăng 0,50% so với tháng trước, trong số này khu vực thành thị tăng 0,40%, khu vực nông thôn tăng 0,61%. Qua phân tích cho thấy, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm tăng như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,34%; nhóm đồ uống thuốc lá tăng 0,31%; may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,98%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,19%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,01%; riêng nhóm giao thông có mức tăng cao nhất 2,83% do nhu cầu đi lại tăng; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,02%. Có 03 nhóm có chỉ số ổn định là nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục; riêng nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 0,18%.

Những kết quả đạt được nêu trên là do chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa của Trung ương và của tỉnh. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 4830/KH-UBND ngày 30/11/2016 về việc bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý trong dịp Tết Nguyên đán; cung cấp đầy đủ, thường xuyên, đảm bảo nguồn hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc. Các mặt hàng thiết yếu bao gồm gạo, nếp, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường, rau, củ, quả phải thực hiện bình ổn, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; giá cả phù hợp và nguồn cung ổn định. Tạm ứng nguồn vốn ngân sách địa phương 18 tỷ đồng với lãi suất 0% trong thời gian 3 tháng (từ 15-12-2016 đến 15-3-2017) để hỗ trợ cho 4 doanh nghiệp vay dự trữ hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối phục vụ công tác bình ổn thị trường. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức đưa hàng bình ổn đến các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, công tác quản lý thị trường được tăng cường; kiểm tra, kiểm soát buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại; các vi phạm về giá, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Kết hợp với chương trình bình ổn giá với chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Nhiều chương trình bốc thăm, quà tặng, phiếu mua hàng, chiết khấu cho khách hàng cũng được tổ chức trong những ngày áp Tết cũng làm doanh thu hoạt động thương mại tăng lên. Đồng thời còn quan tâm tăng diện tích trưng bày và số lượng hàng hóa Việt Nam trên các quầy kệ, qua đó khuyến khích người tiêu dùng địa phương tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017...