Kỷ niệm Ngày Đo lường Việt Nam

(NTO) Cách đây 67 năm, ngày 20-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 08/SL “Quy định thống nhất về đo lường của nước ta theo thế hệ mét”, đánh dấu mốc phát triển của ngành Đo lường Việt Nam. Ghi nhận những thành tích mà đo lường đã mang lại cho nền kinh tế quốc dân, ngày 11-10-2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 155/2001/QĐ-TTg lấy ngày 20-1 hằng năm là ngày Đo lường Việt Nam.

Ngành Đo lường là ngành khoa học-kỹ thuật (KH-KT) chính xác, có vai trò rất quan trọng đối với sản xuất, đời sống, quốc phòng và nghiên cứu khoa học. Không có KH-KT đo lường chính xác, chúng ta sẽ không có sản phẩm đạt chất luợng cao, không đảm bảo độ chính xác và tin cậy trong điều tra cơ bản, sẽ không thúc đẩy được hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển và do vậy không thể đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế quốc dân.

Riêng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, đo lường là một trong những điều kiện và yêu cầu cơ bản ban đầu cho hoạt động nghiên cứu phát triển. Mỗi cán bộ KH-KT dù muốn hay không cũng phải tiếp cận và làm chủ kỹ thuật đo lường thì mới có thể nói đến sự tin cậy, chính xác của kết quả nghiên cúu, điều tra, đánh giá hiệu quả và chất lượng công việc, từ đó làm luận cứ khoa học cho các nhà chính trị hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội.

Để tạo hành lang pháp lý cho ngành Đo lường phát triển, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp quy quan trọng: Luật Đo lường 2011, Nghị định 86/2012/NĐ-CP, ngày 19-10-2012 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đo lường, Nghị định 105/2016/NĐ-CP, ngày 1-7-2016 Quy định điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường và các Thông tư của Bộ KH&CN hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đo lường… làm cơ sở để quản lý và phát triển đo lường nước ta trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI .

Bên cạnh đó, vấn đề hội nhập quốc tế đòi hỏi ngành Đo lường cùng với công tác tiêu chuẩn và chứng nhận phù hợp phải vươn lên để góp phần xóa bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại. Hiện nay, nước ta đã là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế về đo luờng như: OIML (Tổ chức Đo lường hợp pháp quốc tế), Công ước Mét, Chương trình đo lường châu Á-Thái Bình Dương (APMP), Diễn đàn đo lường hợp pháp châu Á-Thái Bình Dương (APLMF).

Tại tỉnh nhà, từ lâu công tác quản lý đo lường đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và đầu tư phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã được đầu tư thích đáng. Năng lực Phòng Kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã được Văn phòng Công nhận Chất lượng BoA (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá công nhận Phòng thí nghiệm đạt Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005.

Năm 2014, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 21/2014/CT-UBND, ngày 29-9-2014 “Về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về đo lường trên địa bàn tỉnh”, làm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện công tác quản lý đo lường tại địa phương. Trang thiết bị các chuẩn thuộc các đại lượng như: độ dài, dung tích, khối lượng, áp suất, điện-điện từ… đã được nối với chuẩn đo lường quốc gia, làm căn cứ cho việc thực hiện đo luờng pháp quyền tại địa phuơng. Đến thời điểm hiện tại, với năng lực hiện có, Chi cục được Tổng cục TCĐLCL chỉ định 19 lĩnh vực kiểm định PTĐ, 2 lĩnh vực hiệu chuẩn Chuẩn đo lường.

Có thể nói, hiện nay, các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong toàn tỉnh đều chấp hành tốt việc đưa PTĐ sử dụng trong kinh doanh, mua bán vào chế độ kiểm định theo quy định của Nhà nước. Một số lãnh đạo doanh nghiệp coi đảm bảo đo lường là trách nhiệm đối với Nhà nước, với khách hàng, làm cơ sở để duy trì và phát triển kinh doanh như một cách tự giới thiệu hình ảnh kinh doanh trung thực, chân chính của mình nhằm quảng bá thương hiệu, chữ tín trong nền kinh tế thị trường hơn là bị ép buộc hoặc thụ động chịu sự quản lý.

Nhân ngày Đo lường Việt Nam 20-1-2017, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và địa phương, được sự chỉ đạo nghiệp vụ của ngành Khoa học và Công nghệ, ngành TCĐLCL, cán bộ đang công tác trong lĩnh vực đo lường tự hào về những gì đã làm được và tin tưởng rằng, toàn thể cán bộ làm công tác đo lường sẽ khắc phục khó khăn, nỗ lực và đem hết khả năng của mình để phục vụ sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.