Ninh Sơn: Bước chuyển mình trong mùa xuân mới

(NTO) Khép lại năm 2016 với nhiều khó khăn và thách thức, huyện Ninh Sơn vẫn vững vàng với những thành tựu nổi bật trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh… Trong khí thế ấy, khối đại đoàn kết toàn dân của Ninh Sơn đang tiếp tục phát huy sức mạnh, tạo bước đột phá để đón một mùa xuân mới đầy hứa hẹn cho sự chuyển mình của “phố núi” trong tương lai.

Trong không khí ấm áp của những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, chúng tôi có dịp trở lại huyện Ninh Sơn để ghi nhận không khí đón tết của nhân dân nơi đây. Dọc theo Quốc lộ 27 qua những xã trên địa bàn huyện Ninh Sơn có thể thấy sắc màu tươi sáng của cuộc sống nơi đây càng hiện rõ. Năm 2016, dù đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tình hình hạn hán đầu năm, mưa lũ cuối năm, tuy nhiên với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, Ninh Sơn đã tiếp tục đưa nền kinh tế-xã hội của huyện tiến lên những bước phát triển mới. Theo đồng chí Đoàn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện, kết quả đáng mừng nhất là có đến 16/17 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch so với Nghị quyết HĐND huyện giao. Trong đó, có nhiều chỉ tiêu quan trong trên lĩnh vực kinh tế-xã hội đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng của huyện. Tổng giá trị sản xuất đạt 2.529 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức 11%; thu ngân sách đạt trên 110 tỷ đồng, đạt 105,9% dự toán năm.

 

Giờ thể dục của học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú Ninh Sơn.

Có thể nói, ấn tượng nhất trong năm qua của Ninh Sơn là hàng loạt các dự án, công trình lớn dọc Quốc lộ 27 đoạn qua các xã Mỹ Sơn, Quảng Sơn, Lương Sơn, Lâm Sơn và thị trấn Tân Sơn tiếp tục phát huy hiệu quả sau khi đi vào hoạt động. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã hình thành các “cụm công nghiệp” chế biến, sản xuất; các “cụm công nghiệp” sản xuất thủy điện, với hơn 100 doanh nghiệp, HTX hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện rất rõ nét. Lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ đang dần giữ vai trò chủ đạo trong tổng giá trị sản xuất, góp phần làm thay đổi diện mạo Ninh Sơn từ một huyện miền núi nông nghiệp, đang chuyển dịch sang “gam màu” công nghiệp. Chỉ tính riêng đóng góp của giá trị sản xuất ngành Công nghiệp trong năm qua ước đạt trên 876 tỷ đồng, tăng 18,1% so cùng kỳ năm trước và chiếm trên 33,6% trong cơ cấu nền kinh tế của địa phương.

Không chỉ lĩnh vực công nghiệp, thương mại–dịch vụ đang bắt đầu cho “trái ngọt” trên địa bàn huyện, ở lĩnh vực phát triển sản xuất của ngành Nông nghiệp năm qua vẫn tiếp tục tạo được dấu ấn khả quan dù đối diện với muôn vàn thiên tai. Tổng diện tích gieo trồng cả năm được 24.546 ha, đạt 105,1% kế hoạch năm, tăng 4,5% so cùng kỳ. Tổng sản lượng lương thực trên 80.800 tấn, đạt 102% kế hoạch, tăng 4,49% so cùng kỳ. Đặc biệt, huyện đã hoàn thành quy hoạch các vùng chuyên canh cây nguyên liệu, phục vụ  công nghiệp chế biến… như: Cây bắp trên 4.450ha, cây mỳ trên 2.400 ha, cây mía gần 3.000 ha… Đây là những vùng sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao trên từng diện tích sản xuất. Được biết, năm 2016, địa phương cũng đã có đề án sắp xếp, ổn định lại nền sản xuất nông nghiệp toàn huyện, trong đó chú trọng đến việc chuyển đổi một số loại cây trồng có giá trị kinh tế cao tại những vùng khó khăn như Ma Nới, Lâm Sơn…

 

Nông dân xã Quảng Sơn (Ninh Sơn) thu hoạch cây mì.

Có thể nói, bước chuyển mình của “phố núi” Ninh Sơn được thể hiện rõ qua sự thay đổi, phát triển của từng địa phương trên địa bàn huyện. Trong đó, rõ nét nhất có thể kể đến “thị xã” tương lai Tân Sơn.

Là đầu tàu về phát triển kinh tế-xã hội của huyện Ninh Sơn, thị trấn Tân Sơn đang dần khẳng định được vị thế để chuyển mình thành đô thị loại IV trong thời gian tới. Về Tân Sơn ngày nay, đường phố đã trở nên nhộn nhịp hơn hẳn, người dân rất tự hào bởi trên địa bàn thị trấn hiện có khá nhiều công trình trọng điểm. Ngoài Nhà máy Thủy điện Thượng Sông Ông công suất 5 MW vừa đưa vào hoạt động, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội thị trấn phát triển, công trình Đập dâng Tân Mỹ (thuộc Dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ) triển khai xây dựng vào cuối năm 2015 làm thay đổi diện mạo của thị trấn. Theo thiết kế, công trình thủy lợi này nối hai bờ sông Cái, có dung tích 210 triệu m3 nước, bằng tổng dung tích chứa của 20 hồ chứa trên địa bàn tỉnh, dự kiến tổng công trình hoàn thành vào cuối năm 2017. Đón đầu thời cơ, trong năm qua, thị trấn đã có chủ trương xây dựng, quy hoạch vùng trồng cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái ở khu vực này quy mô hàng trăm ha. Cùng với đó, thị trấn đang tập trung vào 3 nhóm ngành sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, như: Phát triển thủy điện, năng lượng tái tạo; chế biến nông, lâm sản; khai thác chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng. Từ chiến lược phát triển phù hợp điều kiện thực tế, Tân Sơn đang dần đạt được mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp… Từ đó, hướng đến mục tiêu chính mà huyện Ninh Sơn đề ra phấn đấu đến năm 2020 Tân Sơn cơ bản đạt chuẩn đô thị loại IV.

 

Trung tâm huyện Ninh Sơn.

Không chỉ Tân Sơn, các địa phương trên địa bàn huyện như: Nhơn Sơn, Hòa Sơn, Mỹ Sơn, Lâm Sơn, vùng đồng bào Raglai Ma Nới… cũng đang từng bước phát huy lợi thế, nâng cao đời sống cho người dân và tạo bộ mặt nông thôn mới khởi sắc cho địa phương mình.

Trong không khí mừng Xuân mới năm 2017, “phố núi” Ninh Sơn hứa hẹn sẽ tiếp tục vững vàng chuyển mình, từng bước đi lên mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương ngày một văn minh, giàu đẹp.