Phát triển chuỗi giá trị nuôi dê sinh sản ở Phước Kháng

(NTO) Được sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ Tam nông (HTTN), xã Phước Kháng (Thuận Bắc) đã chú trọng phát triển các chuỗi giá trị về chăn nuôi. Trong đó, nổi bật nhất là chuỗi giá trị nuôi dê sinh sản đang mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống cho người dân địa phương. Theo đó, năm 2012, trên cơ sở triển khai các hợp phần của Dự án HTTN, Ban Phát triển xã đã khảo sát, phân tích, đánh giá thế mạnh cũng như tình hình kinh tế-xã hội để xác định các chuỗi giá trị nông nghiệp của địa phương là lúa, bắp, bò, dê và heo đen. Trong các chuỗi này, xã đặc biệt quan tâm đến chuỗi giá trị nuôi dê sinh sản. Theo đó, Ban Phát triển xã đã thành lập 5 nhóm sở thích nuôi dê sinh sản ở các thôn, với 27 thành viên, trong đó ưu tiên hộ nghèo và cận nghèo. Để tạo cơ sở ban đầu cho các nhóm đi vào hoạt động, Dự án đã hỗ trợ cho các nhóm nuôi dê 128 dê nái, với tổng giá trị 670 triệu đồng. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Dự án, các nhóm sở thích chăn nuôi dê được hướng dẫn quy chế quản lý, hoạch định sản xuất, kinh doanh; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên đàn dê… Qua đó, giúp nông dân nắm vững kiến thức, tiếp cận được phương pháp chăn nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

 
Dự án HTTN đã giúp người dân xã Phước Kháng phát triển chăn nuôi, cải thiện kinh tế gia đình.

Theo đánh giá của Ban Phát triển xã, mặc dù thời gian qua, thời tiết nắng hạn, nguồn thức ăn khan hiếm, tuy nhiên nhờ được tập huấn nên các nhóm đã duy trì và phát triển đàn dê tốt. Nhờ đó, các thành viên của các nhóm sở thích nuôi dê sinh sản đều phấn khởi. Anh Katơr Xếp, Trưởng nhóm đồng sở thích nuôi dê sinh sản thôn Đá Mài Trên, cho biết: Dự án HTTN đã hỗ trợ cho mỗi hộ thành viên 5 con dê nái. Nhờ biết cách chăm sóc nên hầu hết các thành viên trong nhóm đã gầy đàn được 5-8 con, tính ra giá trị kinh tế cũng được 10-15 triệu đồng.

Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND, Trưởng Ban Phát triển xã Phước Kháng, cho biết: Những năm qua, việc triển khai các hợp phần của Dự án HTTN có hiệu quả đã tạo điều kiện để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở địa phương theo hướng bền vững. Phát triển chuỗi giá trị nuôi dê sinh sản không chỉ phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương, mà còn giúp hộ nghèo ở địa phương có nguồn vốn ban đầu để phát triển kinh tế gia đình, từng bước cải thiện thu nhập. Đồng thời, thông qua Dự án người dân đã dần thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất nhỏ lẻ trước đây sang chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng đàn, gắn với thị trường tiêu thụ. Qua đó, giúp nông dân biết liên kết với nhau để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả cao, góp phần ồn định thu nhập cho các hộ nghèo và cận nghèo ở địa phương.