Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình kiểm tra công tác cải cách hành chính tại Quảng Ninh

Ngày 10-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ và đoàn công tác đã thăm, làm việc về công tác cải cách hành chính (CCHC) tại tỉnh Quảng Ninh.

Phó Thủ tướng đã thăm Trung tâm hành chính công TP. Uông Bí và Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Trong 7 tháng qua, Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh đã tiếp hơn 40.000 lượt công dân, tiếp nhận 24.747 hồ sơ, có 97% hồ sơ được giải quyết trước và đúng hạn, cắt giảm 40% thời gian giải quyết so với quy định. Kết quả khảo sát cho thấy 98,3% người dân và doanh nghiệp hài lòng về thủ tục hành chính tại đây.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao sự mạnh dạn, quyết liệt, đổi mới trong công tác CCHC của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua. Đây cũng là địa phương có nhiều sáng kiến trong CCHC và đang triển khai dần xuống cấp xã, phường. Bộ máy qua rà soát, sắp xếp ngày càng tinh gọn và xác định rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được quan tâm đẩy mạnh. Đặc biệt, mô hình Trung tâm hành chính công của tỉnh và 14 trung tâm cấp huyện đã mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực.

Nêu ra những hạn chế mà tỉnh Quảng Ninh cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới, Phó Thủ tướng nhấn mạnh CCHC phải hướng tới mục tiêu tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh. Xây dựng cơ chế để người dân tiến hành thủ tục nhanh gọn, đúng pháp luật, như người dân có thể thuê người làm dịch vụ các thủ tục hành chính hoặc người dân tiếp cận cơ quan nhà nước để tự thực hiện thủ tục một cách nhanh chóng, thuận lợi và từng bước qua mạng internet. Quá trình thực hiện thủ tục hành chính phải thực sự công khai, đơn giản.

Về hoạt động của các Trung tâm hành chính công, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình.

Đối với tổ chức, bộ máy, cần tiếp tục rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, kịp thời đề xuất, báo cáo những vấn đề phát sinh. Bộ Nội vụ cần bám sát, theo dõi quá trình này để góp ý kiến kịp thời với địa phương cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền về các vấn đề nảy sinh.

Bên cạnh đó, cần nâng cao phẩm chất, hiệu quả làm việc, kỷ luật, kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc, triệt để Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế. Việc thi tuyển công chức phải nghiêm túc như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là “tuyển người tài, không tuyển người nhà”, thi tuyển nâng ngạch công chức phải thực sự khách quan, minh bạch, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của vị trí việc làm từng cơ quan, đơn vị.

Tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường công tác theo dõi, đánh giá công tác CCHC của các cơ quan đơn vị, đánh giá chính xác về sự hài lòng của người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính vì đây là mục tiêu cao nhất của công tác này.

Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ làm việc với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam

Chiều 10-8, làm việc với Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đồng ý về chủ trương đối với đề xuất nâng hạn mức chi trả BHTG và sửa đổi Luật BHTG để tổ chức này có vai trò độc lập hơn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao sự phát triển và kết quả hoạt động của BHTG trong những năm qua, góp phần bảo vệ quyền lợi người gửi tiền. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng quy mô chi trả hiện nay của BHTG mới chỉ đáp ứng chi trả cho các quỹ tín dụng nhân dân hoặc chỉ đủ sức chi trả cho các tổ chức tín dụng loại nhỏ khi gặp phá sản; chưa được tham gia vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém.

Để tổ chức này phát triển hơn nữa, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Chiến lược phát triển của BHTG trong thời gian tới phải xác định được vai trò lớn hơn, quan trọng hơn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, gắn với xử lý nợ xấu, đồng thời gắn với hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Phó Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất sửa Luật BHTG để định chế này có vai trò độc lập hơn trong kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng, giúp Chính phủ sử dụng nguồn lực từ BHTG để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, xử lý nợ xấu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đồng ý Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc nâng hạn mức chi trả BHTG để phù hợp với yêu cầu thực tế, nâng cao niềm tin người gửi tiền vào các tổ chức tín dụng.

Về xác định mức thu phí trên cơ sở tính toán rủi ro của tổ chức tín dụng, Phó Thủ tướng yêu cầu BHTG trình đề án lên Ngân hàng Nhà nước để nghiên cứu thận trọng, đề xuất lộ trình thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu nhận xét, BHTG Việt Nam trước đây chủ yếu chỉ được giao giải quyết những tổ chức tín dụng nhân dân đổ vỡ, đến nay tổng tài sản đã được hơn 30 nghìn tỷ đồng. “Vì thế cần được giao thêm chức năng, nhiệm vụ để phát huy tốt hơn vai trò của BHTG”.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho rằng cần mạnh dạn đề xuất sửa Luật BHTG, tạo vị thế độc lập cho BHTG. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng thống nhất: “Nếu không điều chỉnh khuôn khổ hoạt động pháp lý thì rất khó nâng cao hiệu quả hoạt động của BHTG”.

Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng thông qua hoạt động giám sát, BHTG Việt Nam sẽ góp phần tích cực cùng Ngân hàng Nhà nước phát hiện các tổ chức tín dụng yếu kém, tiềm ẩn rủi ro.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bà Rịa-Vũng Tàu

Ngày 10-8, tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận những kết quả nổi bật trong việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển kinh tế, xã hội.

Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện. Tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích, hơn 1% dân số nhưng theo số liệu cuối năm 2015, Bà Rịa-Vũng Tàu đóng góp gần 8% GDP và 12% tổng thu ngân sách cả nước. Trong thời gian tới, tỉnh xác định mục tiêu trở thành một tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tỉnh có vị trí trụ cột, là động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của toàn vùng. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trước hết, tỉnh cần tập trung hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, rà soát, cập nhật, điều chỉnh, lập mới các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là thế mạnh về cảng biển, công nghiệp dầu khí, năng lượng và phát triển du lịch để có thể tham gia sâu, kết nối vào mạng sản xuất, phân phối với các tỉnh Đông Nam Bộ, khu vực và trên thế giới.

Nhiệm vụ trọng tâm thứ hai là phải tập trung phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối vùng, các khu kinh tế, khu công nghiệp với hệ thống cảng biển; tập trung xây dựng phát triển các dịch vụ hậu cần logistic tại khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải.

“Đề nghị tỉnh sớm xây dựng mô hình Ban Quản lý khu vực phát triển cảng tại khu vực Cái Mép – Thị Vải, coi đây là “nhạc trưởng” để nâng cao hiệu quả quản lý, phát huy mạnh mẽ tiềm năng trong phát triển cảng biển, thúc đẩy mạnh dịch vụ logistic”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư phải được coi là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, liên tục.

Trong lĩnh vực du lịch, cần tập trung phát triển thế mạnh du lịch theo hướng bền vững, đưa du lịch Bà Rịa Vũng Tàu trở thành thương hiệu đặc sắc, điểm đến hấp dẫn của khu vực. Đặc biệt quan tâm vào việc phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, chú trọng các dự án quy mô, chất lượng cao; tập trung hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch phong phú, đặc sắc; chú trọng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch.

Đi đôi với thu hút đầu tư, phải đặc biệt chú ý công tác bảo vệ môi trường, coi môi trường là điều kiện cần, là yếu tố tiên quyết để phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý tỉnh về nội dung này bởi việc phát triển công nghiệp song song với du lịch là nhiệm vụ không hề đơn giản.

Phó Thủ tướng lưu ý cần có các giải pháp đủ hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực từ các tỉnh thành lân cận, đặc biệt từ TP Hồ Chí Minh. Quan trọng hơn, phải đặc biệt chú ý việc phát triển nhà ở xã hội, cơ sở hạ tầng thiết yếu cho công nhân, người lao động ở các khu, cụm công nghiệp; gắn phát triển công nghiệp với phát triển đô thị.

Ngay tại Hội nghị, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký kết biên bản ghi nhớ với 4 nhà đầu tư, tổng vốn đăng ký đến năm 2020 khoảng trên 50 ngàn tỷ đồng.

Nguồn Văn phòng Chính phủ