Người trồng nho gặp khó khăn trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

(NTO) Người trồng nho VietGAP ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) và khu phố Cà Đú, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) đang rất lo lắng khi chỉ sau ít ngày sử dụng thuốc Anvado 100WP của Công Ty TNHH Việt Thắng (Bắc Giang) để trừ rầy, cây nho bị vàng lá, quăn ngọn, rụng bông, không đậu trái. Thiệt hại khá lớn nhưng người dân không biết phải xử lý như thế nào sau khi gặp “sự cố” do sử dụng thuốc.

Vốn là một nông dân có trên 30 năm kinh nghiệm trồng nho tại khu phố 6, phường Văn Hải, anh Nguyễn Văn Tỉnh chưa bao giờ gặp sự cố gây thiệt hại lớn như vụ nho năm nay. Cũng như nhiều hộ dân tại địa phương, anh Tỉnh thường sử dụng thuốc trừ sâu Anvado 100WP của Công Ty TNHH Việt Thắng (Bắc Giang) để trừ rầy cho cây nho. Tuy nhiên, mới đây gia đình anh sử dụng chế phẩm này để phun xịt cho 6 sào nho đang thời kỳ tạo quả thì cây nho có biểu hiện bất thường. Anh Tỉnh cho biết: Xịt thuốc được ít ngày thì thấy nho có biểu hiện quăn lá, héo ngọn, hoa khô, rụng trái, thân nho bị nổi sần ở nách chồi, cây lụi dần không phát triển…

Không riêng hộ anh Tỉnh, tại phường Văn Hải đã có trên 10 hộ sử dụng thuốc Anvado 100WP (lô hàng sản xuất trong tháng 3-2016 của Công ty TNHH Việt Thắng), cây nho cũng bị hư hại với biểu hiện tương tự. Hộ ông Nguyễn Tuấn có hơn 3 sào nho tơ đang thời kỳ trổ bông cũng đang lụi dần sau khi phun Anvado 100WP. Ông Tuấn cho biết: Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ gặp trường hợp này. Không hiểu thuốc có bị làm giả, kém chất lượng không nhưng phun xịt rầy không chết, mà cây cứ chết dần. Gia đình đã tìm mọi cách khắc phục nhưng không hiệu quả.

 
Nho bị hư hại, hộ anh Hoàng phải chặt bỏ gốc để trồng lứa mới.

Khó khăn trong việc khắc phục, một số hộ dân đã tiến hành chặt bỏ cây nho để trồng lứa mới. Anh Nguyễn Hoàng, khu phố Cà Đú, cho biết: Nho là cây trồng lâu năm, trồng một lần có thể cho thu hoạch từ 7-10 năm. Giàn nho của gia đình canh tác đang ở năm thứ tư, đây là thời điểm cây phát triển rất “sung” cho trái sai nhất. Nhưng chỉ một lần xịt thuốc, nay phải chặt bỏ vì không thể cứu vãn. Cạnh đó, hộ anh Trần A Lét cũng đang phải cắt bỏ hàng tấn nho trái với hy vọng giữ gốc, dưỡng cây bởi sau khi phun thuốc trị rầy Anvado 100WP, trái nho bị “đẹt” không phát triển nổi.

Được biết, theo kinh nghiệm sản xuất từ nhiều năm nay, người trồng nho trong tỉnh ta vẫn thường sử dụng thuốc Anvado 100WP để phun trừ có hiệu quả. Nhưng thời gian gần đây, đã có khoảng 20 hộ dân ở vùng trồng nho trọng điểm thuộc khu phố 6, phường Văn Hải và khu phố Cà Đú, thị trấn Khánh Hải sử dụng lô thuốc sản xuất vào tháng 3-2016 thì cây nho bị hư hại nặng nề. Theo người dân địa phương, hiện chưa có thuốc trị rầy chuyên dùng cho cây nho, nên người trồng nho chủ yếu sử dụng thuốc Anvado 100WP của Công ty TNHH Việt Thắng.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, thuốc Anvado 100WP có hoạt chất Imidacloprid 100g/kg do Công ty TNHH Việt Thắng sản xuất là thuốc có dạng bột, được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng. Thuốc được đăng ký trừ rầy nâu hại lúa, tuy nhiên người dân lại dùng trên cây nho là sai mục đích. Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, cho biết: Khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, chi cục đã cử đoàn tới kiểm tra và nhắc nhở, hướng dẫn người dân cách xử lý, khắc phục. Do người dân sử dụng thuốc trừ sâu đã được nhà sản xuất đăng ký sử dụng phù hợp cho cây lúa, không khuyến cáo sử dụng đối với cây nho nên khi gặp sự cố gây thiệt hại, rất khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Để khắc phục hiện tượng nho bị hư hại, bà con nên giữ gốc, cắt bỏ cành, bỏ trái, đồng thời bón vôi giải độc và tăng cường lượng phân vi sinh để dưỡng sức cho cây phát triển trở lại.

Qua đây, người dân cần rút kinh nghiệm trong việc sử dụng thuốc BVTV, tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách). Mặc khác, lực lượng chức năng cũng cần hướng dẫn người dân sử dụng loại thuốc phù hợp cho cây nho, tránh sử dụng thuốc theo thói quen, kinh nghiệm như hiện nay. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý các mặt hàng vật tư nông nghiệp, thuốc BVTV trên thị trường nhằm ngăn chặn, xử lý các loại chế phẩm thuốc BVTV giả, kém chất lượng, gây thiệt hại đối với năng suất và hiệu quả cây trồng của người nông dân.