Hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác qua kênh Đoàn Thanh niên

(NTO) Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đoàn và chương trình liên tịch giữa Ngân hành Chính sách xã hội (CSXH) với các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh về chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tích cực, chủ động phối hợp với Ngân hành CSXH tỉnh, đồng thời chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn triển khai hiệu quả các nguồn vốn đến ĐV-TN và các hộ dân khu vực nông thôn.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, Đoàn Thanh niên các cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi để ĐV-TN và Nhân dân tiếp cận với các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

Từ nguồn vốn ủy thác của NHCSXH với tổ chức Đoàn, đã giúp nhiều thanh niên nông thôn
tạo lập kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuấn, Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Qua thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng vốn trong ĐV-TN và người dân nông thôn hiện nay là rất lớn. Do đó, để vốn vay sử dụng có hiệu quả, thời gian qua, khi cho vay, các cấp bộ Đoàn luôn xem xét, cân nhắc đúng đối tượng, mục đích sử dụng nguồn vốn; thường xuyên đôn đốc việc trả lãi, trả vốn đúng thời hạn quy định. Song song đó, các cấp bộ Đoàn còn hỗ trợ ĐV-TN về mặt khoa học-kỹ thuật thông qua việc phối hợp với ngành hữu quan mở các lớp tập huấn ngắn hạn về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ vậy, nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng CSXH thông qua tổ chức Đoàn đã góp phần giúp ĐV-TN có điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, có 43/65 Đoàn xã, phường, thị trấn nhận ủy thác vốn vay từ Ngân hàng CSXH với 247 tổ tiết kiệm và vay vốn, tập trung giải ngân 12 chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, học sinh sinh viên, chương trình nước sạch-vệ sinh môi trường... Hầu hết các cơ sở Đoàn đều nghiêm túc triển khai và thực hiện có hiệu quả các nội dung nhận ủy thác từ Ngân hàng CSXH.

Theo tổng hợp từ Ngân hàng CSXH tỉnh, tính đến tháng 5-2016, tổng số vốn ủy thác do Đoàn Thanh niên quản lý là 192,453 tỷ đồng, với 10.317 hộ vay, chủ yếu vay vốn theo chương trình cho vay học sinh, sinh viên, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và hộ thanh niên vùng khó khăn. Nhờ đó, đã trợ giúp cho hàng nghìn hộ khó khăn thoát nghèo và nhiều ĐV-TN theo đuổi ước mơ học tập, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Đơn cử như anh Bùi Văn Huy (thôn Ninh Quý 2, xã Phước Sơn, Ninh Phước) mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để đầu tư vào nghề “truyền thống” của gia đình là trồng táo, nuôi dê. Vượt qua những khó khăn buổi đầu lập nghiệp, tích cóp hàng tháng gửi tổ tiết kiệm tín dụng của Xã đoàn để trả lãi và gốc, đến nay, anh Huy đã là chủ sở hữu của 3 sào táo và đàn gia súc gần 50 con bò, dê. Trân trọng những đồng vốn vay khởi nghiệp của mình, anh chia sẻ: Tôi làm kinh tế hộ gia đình nên ban đầu nguồn vốn thiếu. Từ khi nhận được sự quan tâm của Xã đoàn giới thiệu cho vay vốn bên Ngân hành CSXH, tôi đầu tư vào trồng táo và chăn nuôi, tiếp đó làm ăn phát triển thì mua thêm bò. Tôi thấy hiệu quả của chương trình cho vay thông qua tổ chức Đoàn là vừa giải quyết được việc làm cho thanh niên, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế hộ.

Còn ở thôn Rã Giữa, xã Phước Trung của huyện miền núi Bác Ái, có vợ chồng chị Pi-năng Thị Rông sống bằng nghề nông, mặc dù có đất sản xuất nhưng do không có nguồn vốn để đầu tư hệ thống bơm tưới bài bản nên chỉ canh tác 1 vụ/năm. Thông qua Xã đoàn, vợ chồng chị đã vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện. Có số tiền trên, chị đầu tư máy bơm và đường ống từ suối vào rẫy, mua thêm dê, gà để chăn nuôi. Nhờ có điều kiện sản xuất, cùng với sự cần cù, chịu khó, gia đình chị đã dần ổn định kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Không giấu được niềm vui, chị Rông khoe: Từ khi được vay vốn, việc sản xuất của gia đình gặp thuận lợi. Đến nay, gia đình ngoài canh tác gần 6 sào đất trồng lúa, bắp, đậu xanh, còn có thêm chuồng dê hơn chục con và 6 con bò. Kinh tế được cải thiện, nên có điều kiện cho con cái học hành.

Từ thực tế cho thấy, thông qua việc triển khai chương trình ủy thác cũng là một phương thức hỗ trợ cho công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên của tổ chức Đoàn, hội ở cơ sở. Qua kết quả kiểm tra, rà soát của Tỉnh đoàn, tại các đơn vị triển khai dự án có hiệu quả, tỷ lệ đoàn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức Đoàn, Hội có sự chuyển biến rõ hơn, uy tín tổ chức Đoàn, hội ngày càng được khẳng định, tạo thêm được nhiều việc làm và tăng thu nhập cho thanh niên địa phương.